Dân Việt

Chỉ áp dụng cho vùng sản xuất lớn

05/05/2010 08:28 GMT+7
(Dân Việt) - Ông Phùng Ngọc Khánh - Vụ phó Vụ Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính đã trao đổi với NTNN về Đề án thí điểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp.
img
Sản xuất cá tra - basa là lĩnh vực mà Đề án thí điểm bảo hiểm nông nghiệp lựa chọn tham gia.

“Bảo hiểm giúp việc khắc phục hậu quả tài chính cho những người không may bị tổn thất, mang tính khách quan, công bằng hơn các hình thức cứu trợ khác”. Ông Phùng Ngọc Khánh - Vụ phó Vụ Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã nói như vậy.

Theo ông Khánh, những năm qua, Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) chưa đóng góp nhiều cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ ND tham gia bảo hiểm còn thấp, hầu như các loại cây trồng vật nuôi, thuỷ sản không được bảo hiểm. Doanh thu phí BHNN chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ (0,069% năm 2004) và 0,0145% năm 2008.

Thời gian qua, có 2 doanh nghiệp tham gia thị trường BHNN là Group pama và Bảo Việt. Tuy nhiên, cả 2 công ty này đều không thành công. Theo ông đâu là nguyên nhân?

- Các công ty bảo hiểm không thành công trong lĩnh vực BHNN do mức phí bảo hiểm cao, không hấp dẫn người dân. Chi phí bồi thường, chi phí quản lý, chi phí giám định tổn thất, chi bán bảo hiểm cao dẫn đến kinh doanh BHNN không có lãi nên các doanh nghiệp bảo hiểm không có động lực thực hiện.

Hơn nữa người dân chưa có ý thức tham gia bảo hiểm hoặc chỉ mua bảo hiểm khi rủi ro chắc chắn xảy ra. Nhà nước chưa có chính sách BHNN cụ thể và chưa hỗ trợ tài chính cho ND tham gia bảo hiểm. Các quy định, quy tắc điều khoản về BHNN còn phức tạp, thủ tục đánh giá tổn thất và thanh toán tiền bảo hiểm chưa thoả đáng...

Nguồn lực và cơ chế hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo đề án:

- Ngân sách T.Ư hỗ trợ 100% cho các tỉnh nhận bổ sung cân đối từ ngân sách T.Ư; 50% cho các tỉnh thành phố có tỷ lệ điều tiết về ngân sách T.Ư dưới 50%, ngân sách địa phương đảm bảo 50% còn lại.

- Các địa phương còn lại sử dụng 100% ngân sách địa phương.

Thưa ông, nguyên tắc khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp từ phía địa phương là gì?

- Bộ Tài chính đề xuất tiến hành thí điểm BHNN đối với cây lúa tại Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang và Đồng Tháp. Thí điểm bảo hiểm đối với bò, trâu, lợn và gà thịt tại Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Long, Hải Phòng, Thanh Hoá, Bình Định, Bình Dương và Hà Nội.

Bảo hiểm nuôi trồng thủy sản cá tra, basa, tôm chân trắng tại Bến Tra, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau. Mỗi tỉnh, thành phố có thể triển khai thí điểm toàn bộ hoặc triển khai trên một vài huyện, xã tiêu biểu theo nguyên tắc: địa phương phải sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn, đại diện được vùng miền; đảm bảo số đông bù số ít, phù hợp với chính sách phát triển vùng, miền của cả nước.

Những rủi ro như thế nào thì được tính toán bảo hiểm?

- Rủi ro thiên tai, dịch bệnh trong nông nghiệp như bão, lũ lụt hạn hán, rét đậm rét hại, sương giá và dịch bệnh, như cúm đối với gia cầm, tai xanh đối với lợn, bệnh lở mồm long móng đối với gia súc, bệnh thuỷ sản đối với tôm, cá tra và dịch rầy nâu, vàng lùn, xoắn lá đối với cây lúa.

Tại sao đề án không tính đến bảo hiểm giá cả?

- Chúng ta chưa tiến hành bảo hiểm đối với rủi ro về biến động giá cả vì rủi ro giá cả bị ảnh hưởng chủ yếu bởi cung cầu và can thiệp của con người. Bên cạnh đó yếu tố biến động giá cả là rủi ro gián tiếp, không phải là rủi ro thuần tuý mang tính chất ngẫu nhiên được bảo hiểm. Hầu hết các nước trên thế giới đều không thực hiện bảo hiểm giá cả trong BHNN.

Ngoài ra hiện nay việc thành lập quỹ bình ổn giá, thực hiện chính sách bình ổn giá hay phương án nhà nước thu mua, bình ổn giá đang được nghiên cứu, xem xét để hạn chế rủi ro về giá.

Ngoài việc được hỗ trợ phí mua bảo hiểm, ND còn được hưởng lợi gì từ đề án này?

- Bảo hiểm sẽ giúp ND yên tâm sản xuất do được bù đắp chi phí sản xuất khi xảy ra rủi ro. Khi đã tham gia bảo hiểm, các tổ chức tín dụng cũng sẵn sàng cho ND vay vốn sản xuất nông nghiệp.

Hơn nữa bảo hiểm cũng thúc đẩy ND tích cực áp dụng kỹ thuật trong canh tác, nuôi trồng và thúc đẩy người sản xuất nông nghiệp nâng cao ý thức chủ động phòng ngừa rủi ro, đề phòng hạn chế tổn thất trong sản xuất nông nghiệp.

Nguyên tắc thực hiện thí điểm là người tham gia bảo hiểm được hưởng lợi cao hơn người không tham gia.

Xin cảm ơn ông!

Ông Hoàng Xuân Điều - Công ty Bảo Việt Việt Nam:

Theo tôi, Bộ Tài chính đã khá mạnh tay khi xây dựng đề án này. Nếu đề án được thực thi tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả doanh nghiệp và người dân khi tham gia BHNN. Tôi cho rằng để BHNN thành công phải có sự hỗ trợ của nhà nước. Đối với BHNN cần có cơ chế riêng.

Ngoài việc hỗ trợ người dân từ 50-60% phí bảo hiểm thì cần hỗ trợ đối với doanh nghiệp như: Miễn thuế thu nhập đối với hoạt động BHNN; và trợ giúp của các tổ chức tín dụng cho người tham gia bảo hiểm. Nhà nước cần nhận tái bảo hiểm cho doanh nghiệp kinh doanh BHNN...

Ông Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam:

Cần tránh tình trạng người cần bảo hiểm lại không có tiền mua, trong khi đối tượng không quá khó khăn lại được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của nhà nước. Nói cách khác là phải hỗ trợ đúng, trúng đối tượng, khắc phục tình trạng gian lận bảo hiểm vốn diễn ra phổ biến và rất khó kiểm soát. Cần xây dựng đạo đức bảo hiểm cho cả DN và nông dân tham gia.