Dân Việt

Xuất khẩu dệt may thiệt hại tiền tỷ do cắt điện

05/05/2010 07:52 GMT+7
(Dân Việt) - Không chỉ sản xuất nông nghiệp bị khốn khổ vì cắt điện mà các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may cũng đang khốn đốn vì tình trạng bị cắt điện.
img
Nhiều doanh nghiệp phải tổ chức làm ngoài giờ cho kịp đơn hàng.

Ông Đào Văn Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Dệt lụa Nam Định vô cùng bức xúc khi tháng Tư vừa qua, doanh nghiệp ông bị cắt điện 6 ca sản xuất (mất 6-7% hàng hoá sản xuất ra). “Doanh nghiệp chúng tôi không thể chủ động được trong sản xuất nếu cứ cắt điện thế này” - ông Phương nói. Chưa kể, thiệt hại về mặt xã hội (lao động, lương bổng) là không thể tính được.

Ông Phương cho biết, đang sản xuất lụa mà bị cắt điện là hỏng hàng, còn nhuộm thì 100% là “chết”. Một tháng có 80 ca sản xuất, mất điện 1 ca là mất 1,2%, mất 5-6 ca là 3-5% hàng hoá hỏng.

Ông Lương Văn Thư - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Đáp Cầu cho biết, doanh nghiệp hiện phải dùng máy phát điện nếu bị cắt điện bất ngờ và giá thành bị đội lên rất nhiều (giá thành sử dụng máy phát điện cao gấp đôi so với giá điện)...

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo ngành điện phải ưu tiên cấp điện cho các đơn vị làm hàng xuất khẩu. Các doanh nghiệp thuộc diện này phải làm việc với điện lực các địa phương để được ưu tiên điện sản xuất.

Ông Phạm Văn Tuyên - Phó trưởng ban Kỹ thuật - Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng vừa nhận được thông báo của các doanh nghiệp dệt may Nam Định. Ông Tuyên cho biết, chỉ trong tháng Tư vừa qua, thống kê của các doanh nghiệp dệt may Nam Định thì thiệt hại do bị cắt điện của mỗi doanh nghiệp là 1,5 tỷ đồng/tháng. Chưa kể không sản xuất doanh nghiệp vẫn phải trả 70% lương cho công nhân, còn làm ngoài giờ phải trả 150% tiền lương, dẫn tới chi phí sản xuất bị đội lên rất nhiều...

Theo ông Tuyên, hiện thị trường Mỹ, EU phục hồi rất lớn. Khách hàng ký hợp đồng mua nhiều song các doanh nghiệp Việt Nam lại không đáp ứng do bị cắt điện liên tục. Với các đơn hàng đã ký, nhiều doanh nghiệp cho biết có thể không đạt tiến độ giao hàng trong quý II này.

Một số doanh nghiệp khác có đơn hàng đến hết tháng 6-2010 thì phải chạy đôn đáo thuê máy phát điện với giá hàng chục triệu đồng/ngày.

Bà Phan Lê Diễm Trang - Công ty May Quốc Tế cho biết, doanh nghiệp bà phải thuê máy với chi phí 13 triệu đồng/ngày, chưa kể tiền dầu xấp xỉ 13 triệu đồng/ngày. Nếu không thuê được máy phát điện thì doanh nghiệp phải đền hợp đồng hàng nghìn USD/container.

Theo bà Trang, thông báo lịch cắt điện như hiện nay (chỉ trước một tuần) rất bị động cho các doanh nghiệp trong sắp xếp lịch sản xuất.