Dân Việt

Nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp: Chỉ thấy tăng!

06/05/2010 07:52 GMT+7
(Dân Việt) - Bốn tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp lên đến trên 2,4 tỷ USD. Đặc biệt mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, kim ngạch nhập khẩu đã tăng gấp hai lần so với 2009.
img
Từ đầu năm đến nay, lượng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi mà Công ty DABACO VN nhập khẩu đã tăng trên 10%.

Tốc độ nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, thức ăn chăn nuôi vẫn là mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu với tổng kim ngạch trong 4 tháng đầu năm đã lên đến 833 triệu USD, tăng tới 197% so với cùng kỳ năm 2009.

Xếp sau thức ăn chăn nuôi, lần lượt là phân bón 348 triệu USD, gỗ và nguyên liệu gỗ 306 triệu USD, sữa 233 triệu USD, dầu mỡ động, thực vật 201 triệu USD, thuốc trừ sâu 185 triệu USD, thuỷ sản 101 triệu USD... Hầu hết các mặt hàng trên đều có giá trị gia tăng về kim ngạch nhập khẩu từ 67-157% so với cùng thời điểm 2009.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, với tốc độ nhập khẩu như hiện nay, rất có thể kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi trong cả năm 2010 có thể lên đến trên dưới 2 tỷ USD.

Ông Nguyễn Như So- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi DABACO VN cho rằng: “Không hẳn các doanh nghiệp như chúng tôi thích nhập khẩu nhiều nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, mà do thiếu thì phải nhập thôi. Hiện tại, nguồn cung nguyên liệu trong nước đang rất thiếu, thực tế chúng tôi cũng rất muốn mua nông sản nội địa, chứ nhiều khi nhập khẩu cũng bị phụ thuộc rất nhiều vào thị trường thế giới”.

Từ đầu năm đến nay, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của riêng Công ty DABACO đã tăng trên 10%. Theo ông So, giá nhập khẩu năm nay tăng khá cao, có nhiều loại nguyên liệu đã tăng từ 200 USD/tấn lên 400 USD/tấn, kéo theo kim ngạch cũng gia tăng.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, hiện tại nước ta vẫn phải phụ thuộc tới 70% nguyên liệu NK, còn lại trong nước chỉ tự cung được một số loại nguyên liệu chính như: ngô, sắn, đậu tương. Ngay cả ngô như năm 2009 cũng phải nhập tới 1,1 triệu tấn.

Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi VN cho biết: “VN vẫn đang rất thiếu thức ăn chăn nuôi, nhất là các loại giàu đạm như khô dầu đậu tương, lạc, thức ăn có trộn tôm, cá... Vì thế, việc nhập khẩu vượt hạn ngạch là chuyện bình thường”.

Các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu nhiều hiện nay vẫn là khô dầu đậu tương, bột cá, lyzin, methoenine...

Ông Lịch cho rằng: “Chúng ta phải chấp nhận việc nhập khẩu cả trước mắt và lâu dài đối với thức ăn chăn nuôi, còn hơn là chúng ta phải đi nhập khẩu thực phẩm chế biến sẵn. Vấn đề là chúng ta phải cân bằng được cả việc đảm bảo nguồn cung thức ăn chăn nuôi với việc phát triển chăn nuôi trong nước, nếu không người dân sẽ bị ảnh hưởng lớn”.

Người chăn nuôi vẫn chịu thiệt

Theo Tổng cục Thống kê, riêng trong tháng 4 năm nay, kim ngạch nhập khẩu nước ta đối với thức ăn chăn nuôi là 220 triệu USD, sữa 65 triệu USD, thuỷ sản 26 triệu USD, dầu mỡ động, thực vật 60 triệu USD, lúa mỳ 47 triệu USD, rau quả 18 triệu USD, phân bón 55 triệu USD, thuốc trừ sâu 45 triệu USD...

Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi quốc gia), mỗi năm phải sử dụng 6.000-7.000 tấn thức ăn chăn nuôi các loại để cung cấp cho đàn gia cầm hàng vạn con của mình. Do đó, việc sản xuất, kinh doanh của trung tâm này phụ thuộc rất nhiều vào giá thức ăn chăn nuôi.

Ông Phùng Đức Tiến- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương cho biết: “Việc phụ thuộc vào nhập khẩu có một số bất lợi đó là chúng ta phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ thị trường thế giới như các vấn đề liên quan đến vận chuyển, bến bãi, lãi suất, tỷ giá hối đoái... Trong khi, nếu chủ động được nguồn cung trong nước, các yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá như trên sẽ được loại trừ”.

Cũng do tác động của giá thức ăn chăn nuôi, hiện việc sản xuất của trung tâm này đã rơi vào tình trạng thua lỗ nặng.

Ông Tiến bộc bạch: “Trước đây, giá thức ăn chăn nuôi chỉ có 4.500 đồng/kg, trong khi ngan giống bán được 9.000 đồng/con, nay ngược lại, giá thức ăn chăn nuôi tăng lên 8.000 đồng/kg, ngan chỉ bán được 6.000 đồng. Do đó, muốn phát triển chăn nuôi nhất thiết phải kéo giá thức ăn chăn nuôi xuống thấp. Để thực hiện được điều đó, chúng ta phải quy hoạch lại vùng nguyên liệu trong nước một cách dài hạn, không phải cứ thấy rẻ là nhập”.

Ông Trương Cao Sơn - Chủ tịch Tập đoàn Thực phẩm 3F cũng cho rằng: “Suy cho cùng chỉ có những người trực tiếp chăn nuôi phải chịu thiệt, trong vấn đề về giá cả thức ăn chăn nuôi. Bởi đầu ra của các doanh nghiệp sản xuất cũng chính là đầu vào của nhà chăn nuôi, mà giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nếu có tăng họ cũng tăng giá sản phẩm, nên có nhập hay không nhập họ cũng chẳng ảnh hưởng gì”.