Xuất khẩu gạo của Việt Nam 4 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn. |
Thọc gậy bánh xe!
Cuba là một trong những thị trường tập trung lớn (kênh xuất khẩu qua đàm phán cấp Ủy ban liên Chính phủ của hai nước - PV) với giao dịch từ 400.000 – 500.000 tấn/năm. Nhưng theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện Việt Nam đã gần như bế tắc vì không xuất được một hạt gạo nào vào thì trường Cuba kể từ cuối 2009.
Tuy nhiên, theo điều tra của chúng tôi, thực chất các doanh nghiệp Cuba vẫn đang đều đều nhập hàng trăm ngàn tấn gạo của Việt Nam kể từ năm 2009 đến nay thông qua con đường “không chính thức” là mua lại gạo Việt Nam từ các nhà buôn đa quốc gia.
Một số doanh nghiệp trong nước đang bí mật cung cấp gạo cho các nhà buôn này. Đại diện Tổng công ty Lương thực miền Bắc (VinaFood 1), cho biết: “Chúng tôi được giao là đầu mối cho tất cả các hợp đồng xuất khẩu gạo sang Cuba. Khi VinaFood 1 chưa thực hiện giao xong hợp đồng với đối tác, không một doanh nghiệp nào được bán trực tiếp hoặc bán cho bên thứ 3 để họ bán gạo vào thị trường này. Vậy mà, những quy định nghiêm ngặt này lại bị ngang nhiên phá bỏ mà không có sự can thiệp nào”.
Về vấn đề này, một lãnh đạo của VFA cho biết sẽ báo cáo với Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổ điều hành xuất khẩu gạo để có biện pháp xử lý.
Từ thua thầu đến... hủy hợp đồng!
Thị trường Philippines, thị trường tập trung lớn nhất của Việt Nam, từ đầu năm đến nay cũng bị ảnh hưởng và có lúc đình trệ vì lý do chính trị (ngưng nhập khẩu để chờ tổng tuyển cử - PV) và sự cạnh tranh khốc liệt từ phía gạo Thái Lan, Ấn Độ...
Trong vòng 6 tháng qua các doanh nghiệp của Thái Lan liên tục thắng trước Việt Nam vì giá gạo trong nước của họ đã giảm trung bình hơn 30%; lượng tồn kho của họ cũng đã chạm ngưỡng “chịu đựng” của doanh nghiệp và Chính phủ.
Trong khi đó, Iraq (thị trường tập trung nhiều tiềm năng - PV), hiện cũng đang có nguy cơ bị mất hẳn vì chúng ta cứ liên tiếp thua thầu. Tính từ năm 2009 đến nay, đại diện phía Việt Nam đã nhiều lần thua thầu ở thị trường này với tổng khối lượng lên đến hàng trăm ngàn tấn.
Một cán bộ từng đại diện đi chào giá đấu thầu ở Iraq, bày tỏ: Phía bạn đưa ra yêu cầu chất lượng gạo rất cao như gạo 3% tấm, độ ẩm dưới 15%... Những chỉ tiêu này nếu thực hiện được thì chi phí rất tốn kém, đẩy giá thành lên rất cao. Vậy mà, khi chúng tôi “ép bụng” hết cỡ, chào giá 370USD/tấn; lại có nhà buôn đa quốc gia chào giá chỉ 330USD/tấn. Đây là mức giá không tưởng vì với giá đó làm gạo 5% tấm, ẩm độ 20% cũng có thể đã lỗ. Nhưng họ vẫn cứ chào như vậy và thắng thầu trước doanh nghiệp Việt Nam.
Một lãnh đạo VFA nhận định: Điều này chỉ có hai trường hợp: Một là có một số nhà buôn nước ngoài đang cố tình muốn “phá” gạo Việt Nam nên cứ chào giá lung tung; Hai là có một số doanh nghiệp trong nước vì áp lực tồn kho nên giá nào cũng bán để giải phóng hàng.
Theo thống kê của VFA, từ đầu năm đến nay đã có hơn 106.000 tấn gạo bị hủy hợp đồng vì trễ hạn hoặc hết hạn giao hàng theo đăng ký. Việc hủy hợp đồng liên tiếp và kéo dài như vậy không những ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn gián tiếp phương hại đến hình ảnh, uy tín của cả ngành xuất khẩu gạo Việt Nam. Được biết, đến nay các ngành chức năng vẫn chưa có cuộc kiểm tra, sắp xếp và xử lý những DN này!
Quốc Huy