Với mong muốn giúp người dân xóa nhà tranh tre nên mặc dù số tiền hỗ trợ chưa đủ, một số huyện ở Quảng Ngãi vẫn vận động dân nghèo vay mượn làm nhà trước, sau đó tiền hỗ trợ về sẽ thanh toán lại. Tuy nhiên, sau 2 năm, tiền hỗ trợ vẫn chưa có…
Tiền không tiêu hết, dân vẫn mang nợ
Ông Võ Hữu Thịnh - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Sơn Hà, thở dài: Cứ mỗi lần xuống họp với dân là chúng tôi bị dân truy hỏi về tiền hỗ trợ. Chúng tôi cũng chỉ biết hứa mà thôi.
Nhiều gia đình nghèo ở miền núi đã phải mang nợ vì "nhà 167".
Theo ông Thịnh, thực hiện Quyết định 167 về xóa nhà tranh tre cho hộ nghèo, năm 2010, UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt kinh phí thực hiện, đến tháng 8.2012, UBND tỉnh mới có quyết định phân bổ kinh phí (đợt 1) cho huyện Sơn Hà để hỗ trợ cho gia đình nghèo ở địa phương xây nhà, với tổng số tiền 49 tỷ đồng. Theo đó, mức hỗ trợ là 23,4 triệu đồng/hộ. Nguồn tiền gồm ngân sách T.Ư (7 triệu đồng/hộ), tỉnh (1,4 triệu đồng/hộ), Quỹ Vì người nghèo - UBMTTQ Việt Nam tỉnh (7 triệu đồng/hộ), vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH tỉnh (8 triệu đồng/hộ) và người dân tự bỏ ra (600.000 đồng/hộ).
Tuy nhiên số tiền mà tỉnh đã phân bổ về chỉ có nguồn của T.Ư và tỉnh, còn Quỹ Vì người nghèo tỉnh chưa có và Ngân hàng CSXH tỉnh cũng chưa giải ngân. “Tuy số tiền hỗ trợ cấp về chưa được một nửa, thế nhưng trước nhu cầu cấp thiết về nhà ở của số hộ nghèo nên huyện đã vận động người dân đi vay mượn để làm nhà trước”- ông Thịnh nói. Khi có lời hứa của huyện, gần 1.000/1.234 gia đình được phê duyệt đã xây xong nhà, tổng số tiền hỗ trợ chưa giải quyết cho dân lên khoảng 15 tỷ đồng.
Không chỉ huyện Sơn Hà mà các huyện miền núi khác của Quảng Ngãi cũng trong tình trạng tương tự. Ông Võ Thìn - Chánh Văn phòng UBND huyện Sơn Tây cho biết: Tính đến nay, trong tổng số 450 hộ nằm trong kế hoạch hỗ trợ xây "nhà 167" của huyện Sơn Tây, nhưng chưa có trường hợp nào được nhận khoản hỗ trợ từ Quỹ Vì người nghèo tỉnh và vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Chính vì lý do trên, nhiều địa phương đã triển khai chậm, để rồi vừa qua, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi gần 36 tỷ đồng tiền ngân sách mà các huyện chưa sử dụng.
Đã nghèo lại gặp eo
Bà Đinh Thị Lía, ở thị trấn Di Lăng, Sơn Hà buồn bã nói: “Vì nhà bị hư hỏng nặng nên sau khi được cán bộ động viên mượn tiền làm nhà trước, tôi đã vay ngân hàng 12 triệu đồng. Thế nhưng đến nay đã 2 năm rồi, tôi vẫn chưa nhận đủ tiền hỗ trợ để trả lại ngân hàng. Mấy tháng qua tôi phải chạy vạy hỏi mượn người thân để đóng tiền lãi cho ngân hàng. Giờ tiền bạc trong nhà không có, không biết trông vào đâu để trả nợ. Nếu biết thế này tôi đã không dám làm nhà mới”.
Theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 8.2012, tổng kinh phí phân bổ hỗ trợ làm nhà 167 (đợt 1) cho 6.723 hộ nghèo các huyện miền núi khoảng 161 tỷ đồng. Trong đó nguồn của ngân sách (T.Ư và tỉnh) gần 56,5 tỷ đồng, còn lại là của Quỹ Vì người nghèo tỉnh (trên 47 tỷ đồng), vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH tỉnh (gần 53,8 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến nay, gần 100 tỷ đồng tiền hỗ trợ và vốn vay vẫn chưa có.
|
Còn ông Đinh Văn Quy, một hộ nghèo, thở dài: Cứ tưởng tiền hỗ trợ sẽ sớm được cấp nên tôi đã mua chịu vật liệu ở một đại lý ngoài thị trấn để xây nhà. Thế nhưng đến giờ vẫn chưa có tiền hỗ trợ, chủ nợ cứ đòi hoài khiến tôi phải bán con bò, tài sản đáng giá nhất của gia đình để trả nợ.
Ông Võ Hữu Thịnh bày tỏ: Tại nhiều cuộc họp do tỉnh chủ trì, UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết số tiền hỗ trợ cho người nghèo làm nhà theo Quyết định 167 hiện vẫn chưa có, vì các nhà tài trợ đang gặp khó khăn nên chưa chuyển tiền như đã cam kết. Trong khi đó phía Ngân hàng CSXH Quảng Ngãi thì yêu cầu, khi nào 3 khoản hỗ trợ (T.Ư, tỉnh và UBMTTQ Việt Nam tỉnh) có đủ, thì mới giải quyết cho vay.
Lý giải về thực trạng này, ông Lê Văn Sáu - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Do tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, nên đến thời điểm này hầu hết các doanh nghiệp cam kết hỗ trợ trước đó vẫn chưa chuyển tiền về. Vì vậy, UBMTTQ Việt Nam tỉnh chưa thể phân bổ tiền cho các địa phương để hỗ trợ cho số gia đình đã làm xong nhà theo Chương trình 167. Vì vậy, MTTQ cũng không thể hứa gì với người dân vì “quá tầm với”.
Theo Bộ Xây dựng, Chương trình 167 giai đoạn I hoàn thành hỗ trợ cho 507.143 hộ, đạt 102,2% so với phê duyệt ban đầu, đạt 94% so với số hộ thực tế phải hỗ trợ sau khi rà soát, bổ sung. Chương trình đã huy động được 12.653 tỷ đồng (vốn ngân sách T.Ư chiếm 33,6%), tổng số vốn được giải ngân là 11.945 tỷ đồng (chiếm 94,4% số vốn đã huy động). Hiện Bộ Xây dựng đã chuẩn bị thực hiện giai đoạn II của Chương trình 167 với mức hỗ trợ được điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều tỉnh đang “giẫm chân tại chỗ” ở giai đoạn I.
|