Tham gia sàn giao dịch, những người sản xuất cà phê sẽ tránh được tình trạng bị thương lái ép giá. |
Sản xuất manh mún, khó lên sàn
Sàn giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột đã ra đời gần 4 năm mặc dù chưa thu phí giao dịch và khối lượng 1 hợp đồng chỉ là 1 tấn để khuyến khích nông dân mang hàng đến sàn nhưng vẫn khó thu hút họ tham gia. Vì sao vậy?
Ai cũng biết hầu hết nông dân ta là người sản xuất nhỏ, trình độ văn hóa thấp, sản xuất manh mún phân tán nên không thể tiêu chuẩn hóa. Nông dân lại luôn thiếu vốn nên việc đặt cọc ở sàn giao dịch hàng hóa là khó...
Trong khi đó, nông dân muốn tham gia sàn giao dịch hàng hóa như mô hình của các nước là không thể. Bởi theo mô hình đó, ai muốn buôn bán trên sàn phải đăng ký tư cách thành viên, phải nộp phí, phải đặt cọc và phải theo đúng quy định về khối lượng, phẩm chất hàng hóa, giá, thời gian buôn bán.
Có thể nói những điều kiện tiên quyết để nông dân bán được sản phẩm qua sàn giao dịch theo đúng nghĩa của nó là chưa có. Hiện họ vẫn phải bán qua thương lái rồi thương lái bán lại cho doanh nghiệp. Như thế người ta chẳng cần đến sàn mặc dù sàn là công cụ hết sức hữu hiệu giúp mọi người quản lý được rủi ro về giá mà thị trường truyền thống không có được.
Tạo thị trường giá cả công bằng
Có thể nói sàn đấu giá nông sản tại các chợ đầu mối sẽ là mô hình thích hợp cho nông dân. Loại sàn này, không quy định chặt chẽ khối lượng mỗi lô hàng, phẩm cấp, thủ tục xét duyệt tư cách thành viên không phức tạp, khoản đặt cọc linh hoạt.
Thời gian giao dịch có thể là 7 ngày trong tuần, 12 tháng trong năm nếu có nhu cầu và hàng hóa được giao ngay nên không phải để kho lâu. Các thủ tục giao dịch khác như thanh toán cũng không phức tạp như ở sàn giao dịch hàng hóa...
Cái lợi lớn nhất cho mọi đối tượng tham gia kinh doanh ở sàn đấu giá là giá cả công bằng, phản ánh đúng quan hệ cung cầu; tránh được tình trạng "người bán bị người mua ép giá hay người mua bị người bán nâng giá" như ở thị trường tự do. Đây cũng là điểm xuất phát để các doanh nghiệp chế biến, phân phối lưu thông và doanh nghiệp xuất khẩu... mua được hàng hóa tập trung với khối lượng lớn.
Đối với các sàn giao dịch hàng hóa đã qua chế biến như: đường, gạo, cao su, dầu đậu nành... người đưa hàng đến sàn hầu hết là các doanh nghiệp hay nhà nhập khẩu chứ không phải là nông dân.
Tuy nhiên, muốn thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia mua bán ở sàn giao dịch hàng hóa, việc đầu tiên là sàn phải đăng ký theo đúng quy định của Bộ Công Thương. Đó là xây dựng sàn theo hướng chuyên nghiệp, phải có cơ sở hạ tầng thông tin tốt, có hệ thống kho thuận lợi... Ngoài ra, phải mở các lớp đào tạo cho nhân viên của sàn và cho các nhà đầu tư.
Bao giờ có sàn đấu giá nông sản?
Theo quy hoạch của Bộ Công Thương năm 2007, cả nước sẽ xây dựng 157 chợ đầu mối. Giả sử đến nay mới chỉ xây dựng được 50% số chợ đầu mối theo quy hoạch thì cả nước cũng đã có khoảng 70 chợ.
Ngoài ra, theo quy hoạch này, trung bình mỗi tỉnh có từ 1 - 3 chợ đầu mối bán buôn và có từ 3 - 7 chợ kinh doanh tổng hợp. Nếu mỗi tỉnh chỉ cần lựa chọn 1 hay 2 chợ đầu mối nông sản có quy mô tương đối lớn và điều kiện giao thông thuận lợi thì cả nước sẽ có khoảng 70 chợ đầu mối và tại đây sẽ hình thành các sàn đấu giá để giao dịch các mặt hàng tươi sống như rau, củ quả, thủy hải sản, vật nuôi để mở rộng mạng lưới phân phối bán lẻ trong toàn quốc cũng như đấu giá các mặt hàng khô như gạo, chè, hạt tiêu, hạt điều... để tạo nguồn hàng cho các sàn giao dịch hàng hóa nói trên.
Muốn vậy, các Ban quản lý chợ đầu mối cần được kiện toàn, Bộ Công Thương cần ban hành quy chế hoạt động của sàn đấu giá. Các địa phương cần tổ chức huấn luyện cho mọi đối tượng tham gia để mọi người làm quen với mô hình này.
TS. Vũ Quý Hùng (Bộ NN&PTNT)