450 năm “thành phố Trăng”
6 giờ sáng người dân Lào mang thực phẩm lên cho nhà sư khất thực |
Trong sử thi Lào có ghi rằng, năm 1560 Vientiane đã trở thành thủ đô của nước Triệu voi xưa và nước Lào ngày nay. Vientiane theo tiếng Lào nghĩa là “Thành phố Trăng”, gây ấn tượng với du khách ngay từ cửa ngõ với chiếc cổng chào tựa Khải hoàn môn của Paris.
Đây là Tượng đài chiến thắng của Lào được xây từ cuối những năm 50 thế kỷ trước (TK20) và giờ cũng lấy tên Khải hoàn môn, nhìn xa có mang dáng dấp kiến trúc Pháp, nhưng lại gần dễ dàng nhận ra những tấm phù điêu, hoa văn đậm chất Lào, nằm giữa quần thể công viên Patuxay đẹp lộng lẫy. Đứng trên toà tháp cao 7 tầng này, toàn cảnh thành Vientiane hiện ra khoáng đạt, thanh bình.
Vientiane có rất nhiều ngôi chùa đẹp, cổ kính. Chỉ đi vài cây số, thậm chí vài trăm mét là gặp những ngôi chùa nằm xen giữa các dãy phố. Chùa That Luang (Thạt Luông) - biểu tượng của quốc gia Lào, với ngọn bút quyền uy, linh thiêng vươn lên trời vàng rực trong nắng, phảng phất trong gió mùi hoa chămpa dịu nhẹ.
Chămpa là quốc hoa của Lào, nên Lào còn được gọi là đất nước hoa chămpa. Có lẽ thế mà hoa chămpa (hoa đại ở VN) ở đây nở rất to và trắng muốt, hơn hẳn trồng ở xứ mình, và mùi hương cũng nồng nàn hơn thì phải! Nằm cách đó không xa là chùa Vat Visaket - ngôi chùa cổ nhất ở Vientiane được xây dựng từ năm 1818, với hàng ngàn mẫu tượng Phật đậm nét nghệ thuật điêu khắc Lào được lưu giữ, khiến ta như bị mê hoặc...
Ra ngoại ô khoảng 25km là khu Vườn Phật (Xiengkuane). Tại đây có hàng trăm bức tượng, hầu hết làm bằng chất liệu xi măng, với nhiều tư thế, thần thái khác nhau, giống như những vị thần Shiva, Sita, Vinus trong sử thi Phật giáo, Hindu giáo..., tạo nên sự huyền hoặc, kỳ bí.
Dọc con đường huyết mạch Si Mương - Samsenthay vào trung tâm, phố xá thoáng đãng, sạch sẽ, các phương tiện đi lại êm ả, chẳng thấy cảnh chen lấn, vượt ẩu, còi xe inh ỏi hay khói bụi mù mịt như ở Hà Nội. Tất cả cứ theo đèn tín hiệu giao thông mà đi, mà dừng. Thi thoảng mới thấy bóng dáng một cảnh sát giao thông đứng nhàn tản bên đường. Xe máy, xe đạp ở Vientiane rất ít, phương tiện chủ yếu là ô tô, mà toàn xe " xịn". Ô tô ở đây rẻ lắm, giá chỉ bằng 1/3 so với ở Việt Nam.
Những ngày ở Vientiane món ăn Lào luôn được tôi lựa chọn. Xôi Lào ngon và mềm dẻo chẳng hề dính, cũng chấm với muối vừng giống như nếp nương ta nhưng ăn không thấy ngán. Đặc biệt có món giống như bò xào lăn của ta, ăn ngon và rất lạ miệng.
Đó là món “lạp" - món tượng trưng của người Lào, dùng cho các lễ hội hoặc trong các bữa tiệc trọng thị. Người ta bảo thịt bò ở Lào ngon chẳng kém bò Kobe của Nhật, vì chúng được nuôi để thịt chứ không phải để cày kéo, nên thịt mềm, ngọt và rất thơm.
Hồn nhiên như người Lào
Với tâm hồn hướng Phật, người dân Vientiane sống hiền hoà, nhàn tản, chẳng ham làm giàu. Gặp một doanh nhân Việt đang xây dựng một nhà hàng ăn ở Vientiane, anh kể rằng, có lần vì muốn cho công việc hoàn tất nhanh, nên đã đề nghị một số công nhân làm thêm một giờ sau giờ hành chính với mức lương bằng nửa ngày thường, nhưng tất cả đều lắc đầu, bởi với họ "làm việc kiếm tiền là việc cả đời, không gì phải vội".
Ngược lại, họ sống hồn nhiên, thích hòa mình vào thiên nhiên. Vào những ngày lễ tết, ngày nghỉ, dọc các con sông Mekong, Namngum, Namsong, tấp nập thuyền du lịch, ngược xuôi đưa khách đi du ngoạn, trên khoang đầy ắp tiếng hát, tiếng cười...
Các gia đình Lào nhìn chung đông con vì họ đất rộng người thưa nên không phải thực hiện kế hoạch hoá như ta. Ở Lào vẫn theo chế độ Mẫu hệ, nghĩa là con gái được tôn trọng nhất, nếu chẳng may có ông nào đánh chị em, chính quyền liền can thiệp bắt nhốt qua đêm...
Đối với người Lào, buổi tối là lúc người ta thư giãn, xả hơi sau một ngày làm việc. Vậy nên các buổi tối ở Lào, không chỉ ngày cuối tuần hay lễ tết, các hoạt động văn hoá vẫn diễn ra vui nhộn, êm đềm trên các phố, ở trung tâm văn hoá hay trong mỗi gia đình.
Khải hoàn môn, một biểu tượng của đất nước Lào. |
Hoàng hôn buông xuống, đường phố Vientiane càng trở nên bình lặng, lóng lánh ánh vàng từ những ngọn đèn đường và màu vàng của những ngôi chùa hắt ra. Đâu đó những bản nhạc nước ngoài, nhạc Lào vẳng ra từ các vũ trường và các hàng quán bên đường.
Một lớp người trẻ Vientiane giờ đây đã hình thành thói quen đến vũ trường giải trí sau một ngày làm việc, một nét văn hoá lành mạnh. Họ đến vũ trường như thường đến các quán cafe, uống bia Lào. Ở một quán ven đường, có mấy đôi đang nhảy, dù là nhạc Tây sôi động họ cũng chỉ nhún chân, lắc vai nhẹ nhàng, và khi chuyển sang bản nhạc Lào với điệu Lăm vông thì tất cả cùng hoà vào say mê, uyển chuyển...
Nói đến con người Vientiane, không thể không nhắc đến cộng đồng người Việt sinh sống nơi đây. Chiếm 1/3 dân số thành phố, người Việt chủ yếu kinh doanh buôn bán. Đến chợ Sáng, một trung tâm thương mại sầm uất của Vientiane, có đến gần một nửa quầy hàng là của người Việt Nam.
Có rất nhiều đại gia đình Việt đã di cư sang Vientiane từ nhiều đời. Nhiều người đã lấy tên Lào, nên trong họ cũng thấm đẫm những tính cách Lào hiền hoà, đôn hậu, song vẫn giữ được đức tính Việt chăm chỉ, cần cù. Vì vậy họ đều có cuộc sống khá giả ung dung.
Đất nước Lào chưa giàu, nhưng điều chúng tôi thật sự cảm phục là những giá trị truyền thống riêng mà dân tộc này gìn giữ và trụ vững được trong một thời cuộc rất dễ bị phôi phai...
Ngày 30-11, tại Đà Nẵng, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố đã tổ chức mít tinh kỷ niệm 35 năm Quốc khánh nước CHDCND Lào (2-12-1975/2-12-2010). Ông Văn Hữu Chiến - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định, sự phát triển của mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt-Lào không chỉ được khẳng định ở cấp quốc gia mà còn được khẳng định ở cả cấp địa phương trong cả nước, thể hiện sự gắn kết đầy ý nghĩa thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa-nghệ thuật-thể dục thể thao, kết nghĩa...
* Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã phê chuẩn việc cung cấp 95 triệu USD để giúp Lào và Việt Nam nâng cấp hệ thống đường bộ thuộc hành lang giao thông khu vực Đông Bắc, đem lại những lợi ích về trao đổi thương mại và giảm nghèo cho cả hai nước cũng như khu vực Mekong. Dự án sẽ nâng cấp 340 km đường giao thông bắt đầu từ Thanh Hóa ở miền Bắc Việt Nam, qua Lào, tới Bangkok, Thái Lan.
Thanh Xuân - Hồng Hà