Nhưng trên thực tế thì cả kịch bản xô xát lẫn mô thức ứng xử của các bên liên quan lại gần như không có gì lạ, chỉ mức độ leo thang căng thẳng có cao hơn. Từ đó đến nay, mọi cơ sở pháp lý quốc tế để giải quyết hệ lụy của cuộc chiến tranh Triều Tiên thuở ấy đều chỉ là tạm thời.
Hiệp ước Bàn Môn Điếm năm 1953 chỉ là thỏa ước chấm dứt chiến tranh. Chưa có hiệp ước hòa bình giữa Triều Tiên với cả Hàn Quốc lẫn Mỹ. Vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng chưa được giải quyết. Khuôn khổ đối thoại 6 bên do Trung Quốc khởi xướng bị ngưng trệ từ khá lâu rồi.
Giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã nhiều lần xảy ra đụng độ vũ trang. Hai bên đâu có thiếu lần đấu súng và đấu khẩu, đổ lỗi cho nhau và tập trung quân đội ở khu vực gần giới tuyến quân sự quanh vĩ tuyến 38. Mỹ và Hàn Quốc đã nhiều lần tiến hành tập trận quy mô lớn ở khu vực. Phương Tây vẫn duy trì không ít biện pháp cấm vận và trừng phạt Triều Tiên. Lần này đâu có khác.
Vì thế, căng thẳng có thể còn leo thang, đe dọa nhau vẫn còn tiếp tục và xô xát mới không thể loại trừ, nhưng chiến tranh lại khó có thể xảy ra. Dù vậy, leo thang căng thẳng như thế lại rất nguy hiểm đối với an ninh và ổn định ở khu vực vì nó hủy hoại mọi tiến triển đã đạt được cho tới nay trong việc giải quyết mọi vấn đề liên quan đến khu vực nói chung và cải thiện quan hệ giữa Triều Tiên và các đối tác khác nói chung, làm cho việc nối lại đối thoại rất khó khăn và việc giải quyết các bất đồng càng thêm nan giải.
Triệu Anh Túc