Đàm phán thất bại
Vòng đàm phán mới nhất về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran diễn ra hôm 24 và 25.5 tại Baghdad (Iraq) không mang lại kết quả khả quan nào ngoài việc hứa hẹn sẽ… họp tiếp vào ngày 18 và 19.6 tại Nga. Trước đó, một nhà ngoại giao giấu tên của phương Tây được Hãng tin AP dẫn lời cho biết các nhà thương lượng đại diện cho các cường quốc đã đặt lên bàn đàm phán gói đề xuất cũ và mới.
Bộ trưởng quốc phòng Panetta: giới chức Washington "lên kế hoạch cho mọi phương án dự phòng để bảo vệ chính mình" |
Trong đó có đề xuất hợp tác về an toàn hạt nhân với Iran, đổi lại Iran sẽ bước đầu dừng chương trình làm giàu uranium 20%. Nhưng các quan chức Iran cho rằng đề xuất này là không công bằng. Iran đã đưa lên bàn đàm phán đề xuất 5 điểm, trong đó dựa trên các nguyên tắc "từng bước và có đi có lại". Iran nhất quyết cho rằng nước này có quyền làm giàu uranium và đòi dỡ bỏ các lệnh cấm vận về kinh tế, trước khi Tehran dừng mọi hoạt động có thể giúp nước này tiến tới chế tạo vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, nhóm P5+1 nhấn mạnh, Tehran phải ngừng chương trình làm giàu uranium trước khi các lệnh trừng phạt được nới lỏng. Mục đích của các nhà đàm phán quốc tế là có được chấp thuận của Iran dừng chương trình làm giàu uranium, và cho phép thanh sát viên LHQ xác minh hoạt động hạt nhân của Iran là chỉ vì mục đích hòa bình như Iran khẳng định.
Israel cáo buộc Iran tìm cách kéo dài thời gian đàm phán để các nhà máy hạt nhân có đủ thời gian chuẩn bị vận hành. Chính quyền Tel Aviv dọa sẽ hành động quân sự nếu Iran không dừng phát triển hạt nhân.
Đủ sức chế bom
Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran Saeed Jalili tại cuộc họp báo ở Baghdad ngày 24.5 |
Trong khi đó, một học viện khoa học và an ninh quốc tế của Mỹ đã đưa ra một phân tích dựa trên các dữ liệu trong bản báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về chương trình hạt nhân của Iran. Theo đó, những bước tiến trong hoạt động hạt nhân của Iran mà phương Tây và Israel đang theo sát cho thấy, nước này đã đủ khả năng để chế tạo tới 5 quả bom nguyên tử nếu họ thực sự có tham vọng đó.
Bản báo cáo được IAEA đưa ra hôm 25.5 cho biết Iran vẫn đang tiếp tục tiến trình làm giàu uranium bất chấp sự phản đối của LHQ và các cường quốc. Báo cáo còn cho biết, từ năm 2007 đến nay, nước này đã làm giàu được tới 6,2 tấn uranium, trong đó có lượng lớn uranium được làm giàu ở mức 27% chứ không phải 20% như thông báo trước đó.
Lượng uranium được làm giàu này đã tăng 750kg so với thông tin trong báo cáo của IAEA được đưa ra hồi tháng 2 vừa qua. Dù được cho là "nằm trong phạm vi dao động" của hoạt động làm giàu thông thường, song điều này vẫn khiến các nước phương Tây lo ngại và tỏ ra khá thận trọng. Mới đây, khi được hỏi liệu chính phủ Mỹ có "quan ngại" về vấn đề này hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland chỉ nói rằng, chính phủ Mỹ sẽ chờ thêm thông tin từ IAEA.
Ảnh chụp vệ tinh cơ sở làm giàu hạt nhân Fordo của Iran |
Sau khi báo cáo trên được đưa ra, ông Soltanieh cáo buộc truyền thông phương Tây đang có "động cơ và mục tiêu chính trị" trong việc truyền bá sai lệch những vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.
Ông Soltanieh cho biết: "Việc truyền thông phương Tây cố tình đào sâu và chính trị hóa một vấn đề kỹ thuật thông thường trong bản báo cáo của IAEA đã làm lộ rõ ý đồ xấu của họ. Phương Tây muốn phá hoại bầu không khí hợp tác mang tính xây dựng giữa Iran và IAEA".
Vị quan chức Iran cũng khẳng định, bản báo cáo của IAEA một lần nữa chứng minh bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân Iran, Press TV cho hay.
Trước đó, Iran luôn tuyên bố cơ sở Fordo chỉ sản xuất uranium tinh chế 20% để sử dụng trong mục đích dân sự. Tỷ lệ 20% cũng là mức độ uranium cao nhất của Iran được biết từ trước đến nay. Báo cáo mới cho biết Iran đã lắp đặt 368 máy ly tâm tại Fordo bên cạnh 696 máy đã hoạt động tại đây, và đã mở rộng chương trình làm giàu uranium ở cấp thấp tại cơ sở chính là Natanz tại miền trung Iran.
Dù chưa đi vào hoạt động, nhưng những cỗ máy mới sẽ thúc đẩy quá trình làm giàu uranium đến 20% của Iran. Về quá trình sản xuất, việc làm giàu uranium từ 20 - 90% - cấp độ có thể sản xuất vũ khí hạt nhân - không mất nhiều thời gian.
Tuần trước, thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu nhất trí áp đặt trừng phạt lên bất kỳ nước nào hoặc công ty nào liên doanh với Iran, cung cấp công nghệ, nguồn lực, giúp Tehran phát triển nguồn dầu mỏ hoặc uranium. Các cá nhân có liên quan đến Iran cũng sẽ bị Mỹ giới hạn thị thực và đóng băng tài sản.
Tiếp tục phát triển
Trong khi đó, giới lãnh đạo Tehran tuyên bố Iran sẽ hoàn thành một nhà máy điện hạt nhân mới vào đầu năm 2014. "Iran sẽ xây một nhà máy hạt nhân công suất 1.000MW ở Bushehr vào năm tới", kênh truyền hình nhà nước Iran dẫn lời ông Fereydoon Abbasi Davani, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran nói.
Thời gian xây dựng mà ông Davani đề cập tới là năm mới theo lịch của Iran, kéo dài từ tháng 3.2013 đến 3.2014. Các hãng thông tấn của Iran gồm Mehr và ISNA đều đưa tin một nhà máy hạt nhân đã nằm trong kế hoạch xây dựng vào những năm tới.
Ông Davani cho biết thêm rằng việc thiết kế một cơ sở 360MW ở Darkhovin, tỉnh miền tây nam Khuzestan, gần biên giới với Iraq, cũng vừa hoàn thành và đang được rà soát lại. Theo Telegraph, dự án Darkhovin ban đầu được Pháp khởi xướng nhưng sau đó bị bỏ dở vì cuộc cách mạng Hồi giáo 1979 của Iran. Dự án này tiếp tục bị trì hoãn vì các lệnh trừng phạt của châu Âu áp đặt lên Tehran. Tháng 9 năm ngoái, phó Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran cho hay nước này đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ nước ngoài để hoàn thành dự án.
Nhà máy hạt nhân Bushehr hiện tại của Iran được các kỹ sư Đức khởi công vào những năm 1970 và được Nga hoàn thành cũng như hỗ trợ hoạt động và cung cấp nhiên liệu sau đó. Ngoài ra, Iran cũng có một lò phản ứng nghiên cứu đang hoạt động ở Tehran, với mục đích sản xuất thuốc chữa bệnh ung thư và nhiều loại bệnh khác.
Nguy cơ thế chiến 3
Căng thẳng ngày một cao hơn khi Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta khẳng định kế hoạch tấn công Iran đã sẵn sàng trong trường hợp bất khả kháng. Trả lời phỏng vấn trên Đài ABC News ngày 28.5, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố: "Chúng tôi đã có kế hoạch sẵn sàng trong trường hợp bất khả kháng để tự vệ".
Tuyên bố của ông Panetta được xem như để xác nhận khẳng định trước đó của Đại sứ Mỹ tại Israel Dan Shapiro rằng lựa chọn tấn công quân sự "luôn nằm trên bàn" và việc lập kế hoạch đã được tiến hành.
Lý giải về động thái trên của quân đội Mỹ, Bộ trưởng quốc phòng Panetta cho biết, giới chức Washington "lên kế hoạch cho mọi phương án dự phòng để bảo vệ chính mình". Tuy nhiên, Bộ trưởng Panetta vẫn tái khẳng định quan điểm của Washington hy vọng tranh cãi liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran được giải quyết "bằng biện pháp ngoại giao".
Trong khi đó, Israel lại tỏ ra nóng lòng muốn dùng vũ lực để giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Iran khi các cuộc đàm phán quốc tế về vấn đề này vẫn không đạt được kết quả như mong đợi và Tehran tiếp tục duy trì quyền làm giàu uranium vì mục đích hòa bình của mình.
Bình luận về tình huống Mỹ có thể tấn công Iran, trang web chính thức của Pei Cobb Freed & Partners (Đức) mới đây dẫn phân tích của thiếu tướng Trung Quốc Trương Triệu Trung cho rằng một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 sẽ nổ ra nếu Mỹ và các đồng minh thực sự muốn tấn công Iran.
Ông Trương Triệu Trung cũng cho rằng như vậy, "Tập đoàn phương Đông" là Trung Quốc và Nga sẽ đối đầu với "Tập đoàn phương Tây" do Mỹ dẫn đầu. Do an ninh quốc gia của Trung Quốc liên quan chặt chẽ với Iran, thiếu tướng Trương Triệu Trung cho biết, nếu Mỹ tấn công Iran, Trung Quốc sẽ chuẩn bị cho cuộc chiến tranh thế giới thứ 3.
Cùng ngày, tờ The Washington Post dẫn lời giới chức giấu tên cho hay đã tìm ra bằng chứng về việc Iran dính líu vào kế hoạch ám sát nhân viên ngoại giao, doanh nhân Mỹ và Israel tại 7 nước. Tehran chưa có phản ứng về vụ này.