Dân Việt

Dòng họ 13 đời làm quan và bí ẩn của lời sấm truyền

02/06/2012 06:22 GMT+7
̣(Dân Việt) - Tính đến nay, dòng họ Trần Đình đã có lịch sử phát triển trên 500 năm tại Quảng Trị. Cụ Trần Đình Truy (73 tuổi) là đời thứ 14 của dòng họ này đã kể một giai thoại kỳ bí về dòng họ mình...

Một dòng họ "phát" về đường quan

Thủy tổ của dòng họ Trần Đình ở làng Hà Trung, xuất thân là một quan lại triều Lê. Các đời tiếp theo đều nối nghiệp quan. Nổi tiếng nhất là ngài Trần Đình Ân, thuộc đời thứ 6, sinh năm 1626, mất năm 1706, làm quan đến chức Tham chánh chính đoán sự, tước Đông triều hầu, theo phò 4 đời chúa Nguyễn ở Đàng trong.

img
Ông Trần Đình Túc, đời thứ 11 dòng họ Trần Đình, làm quan đến Khâm sai đại thần.

Khi từ quan về trí sĩ, Trần Đình Ân đã được chúa Nguyễn Phúc Chu cấp ruộng đất, người hầu và còn tặng một bài thơ ca ngợi công lao: Tính khí ôn hòa giữ mực trung/ Bốn triều giúp việc biết bao công….

Một người nổi tiếng nữa là ông Trần Đình Túc, đời thứ 11. Ông Túc đỗ cử nhân khoa thi Nhâm Dần (1842) đời Thiệu Trị, được vào chân tri huyện, lần hồi được thăng lên Quản đạo Phú Yên. Đời Tự Đức, ông được tặng hàm Hồng lô tự khanh, trải qua các chức vụ Tán tương quân thứ ở Biên Hòa, biện lý Bộ Hình (Thứ trưởng coi về hình pháp), Dinh điền sứ Thừa Thiên - Quảng Trị (coi việc khai hoang), rồi gia phong Thị lang Bộ Hộ (Thứ trưởng thứ hai coi việc tài chính).

Gia phả dòng họ Trần Đình ghi rõ: Thủy tổ quý công khai canh chi thần là ngài Trần Văn Đông. Ông Đông gốc người làng Hà Mai, tổng Du Tường, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1470, ông Trần Văn Đông theo vua Lê Thánh Tôn đi chinh phạt giặc Chiêm Thành, rồi vâng lệnh vua, lập quê mới là làng Hà Trung (Đặt tên làng ghi nhớ nguồn gốc ở Thanh Hóa), tổng An Xá, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Tính đến nay, dòng họ Trần Đình đã có lịch sử phát triển trên 500 năm tại Quảng Trị.

Ông từng nhiều lần được triều đình nhà Nguyễn cử đi sứ. Về cuối đời, ông được phong hàm Khâm sai đại thần, tước Hiệp tá đại học sĩ (hàm tòng nhất phẩm). Không chỉ là nhà ngoại giao, nhà kinh tế, Trần Đình Túc còn là một nhà trước thuật. Ông có sáng tác thơ văn, tập hợp thành Tiêu sơn toàn tập và được xếp vào hàng các tác gia Việt Nam.

Dòng họ Trần Đình có dòng chính tại làng Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Làng Hà Trung có 3 dòng họ: Trần Đình, Trần Ngọc và họ Nguyễn, nhưng họ Trần Đình là đông nhất, chiếm trên nửa làng.

Chùa Bảo Đông của làng Hà Trung và khu bia mộ danh nhân Trần Đình Ân đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 2009 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin ký ngày 15.11.1991. Vào đời thứ 11, lúc ông Trần Đình Túc vào làm quan ở Huế thì đã khai sinh thêm một nhánh họ Trần Đình ở làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế. Nhánh này cũng có nhiều đời làm quan, như ông Trần Đình Thản (đời thứ 12) làm Cơ mật viện thừa biện.

Ông Trần Đình Khuyến (đời thứ 13) là người cuối cùng của dòng họ Trần Đình "phát" về đường quan lại. Ông sinh năm 1885, học trường Hậu Bổ (Huế), làm quan đến chức Quản đạo Ninh Thuận và Tri phủ ở các phủ Bồng Sơn (Bình Định) và Anh Sơn (Nghệ An).

Chuyện về hai bậc công thần

Năm 1703, khi ông Trần Đình Ân từ quan về quê, con cháu ruột của ông có trên 10 người đi theo phò chúa Nguyễn. Thế nhưng, ông lại không chọn người nào để tiến chúa mà chọn người con rể là Nguyễn Khoa Chiêm, tài đức vẹn toàn; từ tước vị Bảng trung tử được lên làm Bảng trung hầu, thay ông giữ chức đầu triều Tham chánh chính đoán sự. Đó là một việc làm hết sức trong sáng, tôn vinh người tài, khi chọn những bậc hiền nhân đức độ, phò vua trị nước.

img
Ông Trần Đình Ba, đời thứ 14 dòng họ Trần Đình, hiện sinh sống tại TP.HCM

Từ mối thâm giao này, hai dòng họ Trần Đình (Quảng Trị) và Nguyễn Khoa ở Vĩ Dạ (Huế) hàng năm vẫn duy trì tình cảm, đi lại thăm hỏi nhau. Hội làng Hà Trung năm 1999, làng Hà Trung đã gửi một bức tâm thư đến Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin Nguyễn Khoa Điềm - hậu duệ của dòng họ Nguyễn Khoa ở Huế - để mời ông cùng gia đình về dự hội làng Hà Trung.

Còn ông Trần Đình Túc lại nổi tiếng về tài ngoại giao. Vua Tự Đức đã từng cử ông đi sứ sang Hương Cảng để thông hiếu với nước Anh (1868). Năm 1873, ông còn đại diện triều Nguyễn ra Bắc điều đình với Pháp (Gặp viên chỉ huy Francis Garnier). Một chuyện nhỏ, có ghi trong gia phả dòng họ Trần Đình: Năm 1883, ông Trần Đình Túc, khâm sai đại thần, đại diện cho triều Nguyễn đi ký hòa ước với Pháp tại Hà Nội.

Hòa ước này có 27 khoản, trong đó có khoản 1 đại ý: "Tất cả các nước muốn giao thương với nước Nam thì phải được sự đồng ý của Chính phủ Pháp". Đọc xong, chưa ký, ông Túc có ý kiến, xin sửa lại thêm: "Tất cả các nước (kể cả Trung Quốc) muốn giao thương với nước Nam…".

Phía Pháp thấy không có gì "trở ngại" nên đồng ý sửa đổi. Thế nhưng, chính vì việc mở ngoặc thêm như vậy nên sau khi hòa ước được ký thì rắc rối cho Pháp. Trung Quốc cho rằng: Pháp chỉ đích danh Trung Quốc, muốn gây hấn với Trung Quốc. Và tinh thần bài Pháp nổi lên ở Trung Quốc mạnh mẽ. Âu đó cũng là cái tài khéo léo, thâm thúy của một nhà nho làm ngoại giao!

Bí ẩn của lời sấm truyền

Cụ Trần Đình Truy, 73 tuổi, đời thứ 14, đời cao nhất của dòng họ Trần Đình (dòng chính) còn sống, hiện ở thôn Thoại Hương, xã Xuân Đông, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã kể một giai thoại kỳ bí về dòng họ mình. Theo cụ Truy, điều này được ghi trong gia phả (gốc) hiện giữ ở làng Hà Trung. Câu chuyện như sau:

Vào đời thứ 2 của họ Trần Đình, có một cặp vợ chồng già, sống nghèo, thanh đạm. Một hôm có 2 thầy địa lý đi qua, lỡ đường nên xin ngủ trọ một đêm. Hai vợ chồng già tuy nghèo nhưng quý khách, tiếp đãi rất nồng hậu. Sáng ra, 2 thầy có trả tiền nhưng 2 vợ chồng già không nhận. Hai thầy ái ngại, làm bộ "quên" một ít vàng nén.

Thế nhưng, khi họ đi khỏi, 2 vợ chồng vẫn chạy theo, trả lại vàng để quên. Hai thầy cảm động, quyết định chỉ cho họ biết một huyệt mộ và nói: "Nếu dịch lên một huyệt thì làm vua một đời, dịch xuống một huyệt thì làm quan nhiều đời". Khi an táng, điều kiện để hạ huyệt: bao giờ có người đội nón bằng đồng đi ngang qua và cá lên ngọn tre thì mới là giờ hạ huyệt! Chưa hết.

Thầy lại cho câu sấm: Bao giờ núi nọ hết cây/ Sông kia hết chảy, họ này hết quan/ Bao giờ rắn sắt bò ngang/ Tây kia kéo lại, hết quan họ này. Lúc ông bà chết, con cháu quàng xác lại và cứ chờ. Tình cờ, trời mưa. Một người đi mượn cái nồi đồng về, vì mưa nên chụp nồi đồng trên đầu. Lại có đứa bé đi câu cá về, treo con cá đầu cần câu. Như vậy, điều kiện hạ huyệt đã ứng nghiệm.

Về câu sấm truyền, dòng họ Trần Đình cho rằng nó rất linh ứng: Một dòng họ suốt 13 đời làm quan nhưng đến giữa thế kỷ 20 thì không còn ai "phát" về đường quan lộc. Ở Hà Trung, sau này núi bị chặt phá trọc; sông đã cạn, trở thành lạch nhỏ; con đường sắt xuyên Việt chạy ngang qua làng… Dòng họ Trần Đình sau năm 1954 có thêm một nhánh ly tán ra Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh), tuy có học hành đỗ đạt nhưng vẫn không có ai "phát" về đường quan chức.

Hậu duệ của dòng họ Trần Đình, ngày nay có tiến sĩ Trần Đức Vân, tiến sĩ toán học, hiện công tác tại Viện Toán học Việt Nam (Hà Nội) - ông là người đỗ tiến sĩ ở Liên Xô (cũ) lúc mới 27 tuổi, là tiến sĩ trẻ nhất thời đó ở Việt Nam.

Theo Thế giới & Hội nhập