Dân Việt

Dân nói gì về việc vi phạm giao thông bị đăng báo?

02/06/2012 19:37 GMT+7
(Dân Việt) - Xung quanh việc Chính phủ vừa yêu cầu các địa phương và cơ quan chức năng thực hiện việc thông báo danh sách cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông lên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhiều bạn đọc gửi ý kiến về tòa soạn.
img
CSGT Tiền Giang xử phạt chủ phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ

Chỉ tác dụng với người có địa vị

Vi phạm giao thông còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, có thể do khách quan hoặc chủ quan. Việc đưa tên người vi phạm giao thông lên báo chí phải hết sức cân nhắc vì sẽ ảnh hưởng đến cá nhân người vi phạm. Ngoài ra, biện pháp này chưa chắc đã đạt được hiệu quả như mong muốn vì khi đăng tên hàng loạt như vậy sẽ dẫn đến nhàm chán. Việc đăng lên báo chí chỉ có tác dụng nhiều với những người có địa vị, còn một số người cố tình vi phạm họ sẽ không thấy bị tác động, ảnh hưởng lắm.

Văn phòng Luật sư An Phất Phạm

Phải đưa vào tiêu chí thi đua

Chính phủ vừa thể hiện quyết tâm cao trong việc xử lý các vụ vi phạm giao thông. Tôi đồng tình với biện pháp thông báo danh sách các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên báo, đài và gửi thông báo về các cơ quan nơi cán bộ, công chức đó đang công tác. Cán bộ, công chức phải là những người làm gương trong việc chấp hành và xây dựng văn hóa giao thông. Theo tôi, phải đưa vào tiêu chí thi đua cụ thể của các cơ quan về việc này.

(Hội Chữ thập đỏ xã Đại Minh, Đại Lộc, Quảng Nam)

Lãnh đạo không được can thiệp

Theo tôi, bên cạnh việc thông báo, kiểm điểm công chức vi phạm Luật Giao thông thì cần phải nghiêm cấm lãnh đạo các cấp; cán bộ, công chức Nhà nước can thiệp vào việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Rất cần công khai danh tính của cả những người đã can thiệp để xem có còn ai dám đặt lợi ích cá nhân lên trên luật pháp.

(thị xã Sông Cầu, Phú Yên)

Các cơ quan cần có phản hồi

Công an TP. Hà Nội vừa công bố, trong số 55.000 thông báo cán bộ, học sinh vi phạm Luật Giao thông về công an xã, phường, thị trấn, trường học song chỉ có 3,8% thông báo được phản hồi. Điều đó cho thấy trách nhiệm của người đứng đầu rất hạn chế. Do vậy, để việc thông báo danh sách các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên báo, đài thực thi, đề nghị các cơ quan cần có phản hồi, thông báo kỷ luật người dưới quyền vi phạm giao thông.

(cán bộ về hưu, ở Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội)