Tôi vẫn thường ví vui cái nghề đánh giày là đi cóp nhặt tiền lẻ của thiên hạ để xây đắp tổ ấm của mình...
Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo xơ xác thuộc huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Nhà có 5 anh em, mẹ đau ốm triền miên nên mọi gánh nặng dồn lên vai người cha với nghề chài lưới trên biển. Chưa học hết lớp 2, tôi phải bỏ học mưu sinh. Năm ấy biển động cuốn sạch xóm làng, chài lưới, tôi và những người bạn cùng lứa phải nhập vào dòng người ra Hà Nội làm thuê làm mướn đủ nghề. Cái tuổi trăng tròn tưởng dai sức nào ngờ bị những công việc nặng nhọc từ đẩy xe thồ, vác hàng, đến phu hồ... quật ngã.
Anh Hải với công việc hàng ngày của mình. |
Không thể làm mãi cửu vạn, tôi chuyển sang đánh giày. Nhưng giữa đất thủ đô "người khôn của khó", đánh giày cũng có phe cánh tranh giành lãnh địa. Tôi thì "tứ cố vô thân" nên chẳng bao lâu đã bị đánh bật. Tôi lang thang qua không biết bao nhiêu thành phố trong Nam ngoài Bắc mà vẫn không kiếm đủ sống qua ngày.
Thế rồi như có sự sắp đặt của số phận, năm 1996 tôi đến thị xã Tuyên Quang (giờ đã lên thành phố), khoác thùng đồ nghề lếch thếch khắp phố này sang phố khác cũng chẳng ai thuê đánh giày. Không nhà, không tiền, đói mờ mắt. Khi sắp kiệt sức ở bến xe thì tôi gặp một người khách tốt bụng bảo đánh giày và trả công bằng một loa cơm nguội tưới nước thịt cộng với 3.000 đồng.
Những ngày sau đó, thông qua người khách này, tôi đã có thêm rất nhiều mối thuê đánh giày, nhất là những người kinh doanh ở chợ Tam Cờ. Kinh tế ngày càng phát triển, ai cũng bận rộn nên công việc của tôi cũng túi bụi từ sáng sớm đến tối mịt. Có những tháng đắt khách, trừ mọi chi phí tôi còn để dành được 8- 9 triệu đồng gửi về quê.
Nhưng cái nghề của tôi phải kiên trì, nhẫn nhịn nhiều lắm. Chẳng thế mà không ít các em, các cháu ở quê theo tôi ra đây học nghề chỉ ở được mấy ngày đã nằng nặc đòi đi tìm việc khác.
Giờ đây tôi đã có một người vợ đảm đang cùng hai đứa con ngoan ngoãn, học giỏi. Mười mấy năm bươn trải với công việc đánh giày, tôi không chỉ hỗ trợ được tiền thuốc thang cho mẹ, giúp cha nuôi các em trưởng thành mà còn xây cho tổ ấm của riêng mình một ngôi nhà mái bằng vững chắc cùng nhiều vật dụng đáng giá và một khoản tiết kiệm nho nhỏ để nuôi các con ăn học...
Anh Thừa Văn Hải - khu xóm trọ chợ Tam Cờ, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.
Quang Minh (ghi)