Dân Việt

Dân vẫn sống bên “miệng tử thần”

07/06/2010 06:55 GMT+7
(Dân Việt) - Đã gần 1 năm qua, tại xã Tung Qua Lìn, Phong Thổ, Lai Châu những thiệt hại của trận lũ tháng 6-2009 vẫn chưa được khắc phục, mới có 120 hộ di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, 77 hộ còn lại vẫn sống bên “miệng tử thần”.
img
Người dân vẫn sống trong vùng sạt lở và có nguy cơ sạt lở.

Trận lũ ống xảy ra cuối tháng 6-2009 đã gây sạt, sụt trên diện rộng, phá hỏng 6 ngôi nhà, 1 trường học; đe doạ trực tiếp đến tính mạng và tài sản của 197 hộ dân của xã Tung Qua Lìn.

Ổn định nơi ở mới

Cuối tuần qua chúng tôi có dịp đến thăm nơi ở mới của 120 hộ trong tổng số 197 hộ dân phải di chuyển khỏi nơi ở cũ vì nằm trong khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Sau gần 1 năm về nơi ở mới, hầu hết 120 hộ dân đã ổn định cuộc sống. Trường học tạm đã được dựng lên. Hệ thống nước sinh hoạt đã xây dựng đưa nước về đến từng gia đình. Các công trình công cộng như: Trường học, trạm xá, trụ sở UBND xã… cũng đã được san gạt mặt bằng và đang đi vào thi công.

Không chỉ có thế, cho đến nay, ngoài việc mỗi hộ được hỗ trợ 13 triệu đồng để phục vụ cho việc san gạt mặt bằng, vận chuyển, sửa chữa và xây dựng nhà cửa; hàng tháng mỗi hộ dân còn được hỗ trợ 15kg gạo/người. Việc này phần nào giúp bà con giảm bớt những khó khăn, ổn định cuộc sống.

Anh Vàng Tùng - dân bản Cò Ký mới cho biết: Tuy chưa hết khó khăn, đi làm nương cũng xa hơn nhưng mùa mưa năm nay vợ chồng anh và 2 cháu nhỏ có thể yên tâm, không phải lo chuyện đất đá sạt vào nhà như nơi ở cũ nữa.

Cố tình đùa giỡn tử thần

Cho đến nay, mặc dù các cơ quan ban ngành từ tỉnh đến cơ sở đã vận động, tuyên truyền nhiều lần, thậm chí UBND huyện còn tổ chức chiếu cả những video về các vụ sạt đất thảm khốc ở vùng khác cho bà con xem nhưng 77 hộ dân còn lại vẫn cương quyết không di chuyển, làm ngơ trước tài sản và tính mạng của chính mình.

Theo bà Phạm Thị Xuân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tung Qua Lìn: Hiện tại khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở của Tung Qua Lìn, ngoài 77 hộ dân nêu trên đang sinh sống vẫn còn rất nhiều cán bộ, giáo viên của các trường, trạm y tế… của xã đang sinh sống. Dù họ đã chuyển hết những đồ đạc, tài sản quan trọng của mình đi nơi khác nhưng vẫn chưa thể chuyển người đến nơi ở mới an toàn vì phải chờ thi công xong nhà trường và nhà công vụ tại mặt bằng mới.

Trong ngôi nhà tuềnh toàng, nhưng gia đình chị Vàng Thị Say, bản Căng Há vẫn cương quyết không rời khỏi vùng nguy hiểm. Chị Say cho rằng về nơi ở mới không trồng trọt được, chăn nuôi cũng khó, ở lại tuy có nguy hiểm nhưng nuôi được con gà, con lợn. Hơn nữa nếu lên nơi ở mới một mình chị không vận chuyển được, không có bạn làm nhà hộ nên không đi…

Khi chúng tôi đặt vấn đề về việc tỉnh, huyện hỗ trợ và các đoàn thể giúp vận chuyển và dựng nhà hộ thì chị Say lại quay ra cho rằng lên nơi ở mới xa ruộng nương, ở nơi đây quen rồi, nhà chị mới làm dỡ đi thì tiếc…

Sau cùng câu trả lời của chị vẫn là không sợ, không đi kể cả nguy hiểm. Những lý do của chị Say cũng là lý do chung của những hộ dân khác ở đây để cố tình bám trụ lại nơi ở cũ dù mùa mưa lũ của năm nay đã về.

Trao đổi với ông Trần Văn Quế - Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ về vấn đề này, chúng tôi được biết: Đến thời điểm này các ban ngành đoàn thể và chính quyền từ tỉnh, huyện đến cơ sở vẫn đang tiếp tục vào cuộc. Tuy nhiên, không thể cưỡng chế để đưa dân đi được, vẫn chỉ là tuyên truyền vận động.

“Đến nay chúng tôi cũng đã dùng tất cả các biện pháp tuyên truyền nhưng kết quả đạt được vẫn chưa cao. Chúng tôi đang cố gắng thi công thật nhanh các công trình phúc lợi và bằng mọi biện pháp để ổn định cuộc sống cho người dân tại nơi ở mới để những hộ còn ở nơi cũ nhìn vào đó mà thay đổi nhận thức và di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm. Nếu sau khi mọi nhu cầu phục vụ cuộc sống cho người dân tại nơi ở mới ổn định mà những hộ dân tại nơi ở cũ vẫn không chịu di chuyển thì chúng tôi sẽ tìm các biện pháp khác” - ông Quế nói.