Dân Việt

Tiếp nhận di sản không mong muốn

07/06/2010 06:59 GMT+7
(Dân Việt) - Bộ trưởng Tài chính Naoto Kan được bầu làm Thủ tướng thứ 94 Nhật Bản trong một cuộc bỏ phiếu ngày 4-6. Cùng với chiếc ghế Thủ tướng, ông Kan cũng tiếp nhận “những di sản” không mong chờ từ người tiền nhiệm Hatoyama.
img
Vợ chồng ông Naoto Kan.

Ưu tiên phát triển kinh tế

Sau khi đắc cử chức vụ Thủ tướng, ông Kan tuyên bố ưu tiên hàng đầu của mình là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sẽ định giá lại tỷ giá giữa đồng Yên và USD, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu và kích thích nền kinh tế.

Tân Thủ tướng 63 tuổi cũng ủng hộ việc thắt chặt tài chính và tăng thuế, nhằm giảm nợ công đang chiếm gần 200% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản. Trên blog của mình, ông cũng đưa ra lời cảnh báo rằng tình hình nợ công của Nhật Bản tồi tệ hơn so với Hy Lạp.

Ông còn cho biết sẽ tập trung đặc biệt vào việc tạo việc làm trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ chăm sóc hàng ngày cho trẻ em và người già, đồng thời khẳng định việc làm là nhân tố then chốt đối với tăng trưởng kinh tế.

Ông Kan đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách tài chính và cho rằng Chính phủ cần xem xét ngay lập tức việc tăng thuế tiêu dùng.

Di sản không mong đợi

Ông Kan đã quyết định đề bạt ông Yoshihiko Noda giữ chức Bộ trưởng Tài chính và chỉ định Thượng nghị sĩ Renho làm Bộ trưởng phụ trách các vấn đề tiêu dùng trong Nội các mà ông dự kiến sẽ công bố vào ngày 8-6 tới.

Về chính sách đối ngoại, tân Thủ tướng Kan phải thừa kế một nhiệm vụ vô cùng khó khăn là hàn gắn quan hệ với Mỹ - đồng minh thân cận nhất của Nhật Bản. Quan hệ giữa hai nước vốn bị sứt mẻ nhiều trong thời gian qua do vấn đề di chuyển căn cứ không quân Futenma của quân đội Mỹ ở Okinawa.

Cựu Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirofumi Hirano nói: “Sau khi nghiên cứu kỹ thất bại của cựu Thủ tướng Hatoyama, chắc chắn ông Kan sẽ có cách tiếp cận thực dụng hơn”.

Mặc dù nhấn mạnh rằng nền tảng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản là quan hệ đồng minh với Mỹ, nhưng Thủ tướng Kan cũng không quên khẳng định quan hệ với Trung Quốc là quan trọng.

Ông Kan cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu thành lập Cộng đồng Đông Á, cùng với 3 mục tiêu chính sách khác của người tiền nhiệm là: Giảm 25% lượng khí thải nhà kính vào năm 2020 so với năm 1990; giảm quyền lực của chính quyền trung ương và trao thêm quyền cho các địa phương; tăng cường các dịch vụ công.

Ngoài việc xử lý các di sản mà người tiền nhiệm để lại, tân Thủ tướng Kan chắc chắn sẽ phải làm rất nhiều việc để khôi phục uy tín của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ). Nhiệm vụ quan trọng nhất của ông là lấy lại niềm tin của cử tri, vốn đã sứt mẻ nhiều trong 232 ngày ông Hatoyama cầm quyền và dẫn dắt DPJ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Thượng viện, dự kiến diễn ra vào ngày 11-7.

Chính trị gia từng gặp... “bão”

Ngay phút đầu nhậm chức, tân Thủ tướng Naoto Kan đã nhấn mạnh với giới truyền thông, rằng ông xuất thân từ “gia đình thường dân”. Tuy nhiên, lật lại hồ sơ về tân Thủ tướng, báo chí Nhật không bỏ qua quãng thời gian “bão tố” trong cuộc đời chính trị của ông Naoto Kan.

Tháng 1-1996, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Y tế Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Hashimoto. Khi đó, ông đã lãnh đạo một chiến dịch điều tra và phanh phui vụ bê bối máu đông lạnh nhiễm HIV gây xôn xao dư luận, tạo ra uy tín lớn đối với dân chúng.

Tháng 9-1996, ông Kan và một số người khác đứng ra thành lập DPJ và cùng giữ chức Chủ tịch DPJ với ông Hatoyama. Năm 1998, ông thừa nhận chưa đóng tiền bảo hiểm hưu trí cho nhà nước trong 10 tháng. Mặc dù số tiền rất nhỏ, nhưng ông quyết định rời bỏ DPJ để tránh ảnh hưởng tới hình ảnh của đảng này.

Sau đó, hình ảnh một chính trị gia trong sạch của ông tiếp tục bị tổn thương, khi các thông tin về việc ông có quan hệ tình ái với một nữ phát thanh viên truyền hình bị tiết lộ. Để chuộc lỗi với bản thân và với đảng của mình, ông đã cạo trọc đầu, mặc trang phục nhà Phật và đi hành hương tới 88 ngôi chùa khắp các vùng nông thôn Nhật Bản.