Dân Việt

Kết nối nông dân với thị trường lao động

09/06/2010 10:13 GMT+7
(Dân Việt) - Trong tháng 6-2010, các tỉnh, thành trong cả nước đồng loạt tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu về lao động của doanh nghiệp và khả năng đáp ứng của các trường nghề.
img
Một lớp dạy nghề nuôi trồng thủy sản cho nông dân tại Quảng Bình.

Hiểu nhu cầu người học

Xã Song Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) vừa thực hiện đợt khảo sát nhu cầu học nghề của nông dân. Các cán bộ khảo sát nhận định, Song Hồ là xã hầu như đã mất hết đất nông nghiệp. Vì vậy, 74% số dân tại đây thường xuyên không có việc làm và thu nhập ổn định, số lao động còn lại chủ yếu là làm ruộng, chăn nuôi. Hầu hết người dân ở Song Hồ có nhu cầu được đào tạo nghề và tìm kiếm cơ hội việc làm tại địa phương.

Về phía lao động còn làm nông nghiệp, nhu cầu học nghề cũng khá đa dạng. Anh Nguyễn Sỹ Đức (thôn Lạc Hoài, xã Song Hồ) cho biết, mặc dù đã làm trang trại VAC từ nhiều năm nay song kiến thức và cách làm vẫn theo kinh nghiệm truyền thống. Vì vậy, anh rất mong được tham gia một lớp học thú y.

Ông Nguyễn Văn Chế - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật Thuận Thành chia sẻ: “Trước khi có Quyết định 1956, chúng tôi cũng thường khảo sát nhu cầu học nghề của bà con trên địa bàn để tổ chức dạy nghề. Giờ, việc khảo sát được tổ chức bài bản, chúng tôi sẽ có thông tin toàn diện hơn”. Nhờ có thông tin “chuẩn” về nhu cầu, đầu tháng 6-2010, trường vừa khai giảng lớp chăn nuôi- thú y cho bà con.

Tương tự, tại nhiều vùng ở Quảng Bình, các điều tra viên cũng đã xuống tận thôn, bản tìm hiểu nhu cầu học nghề của nông dân. Ông Đinh Hợp - Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) - rất hoan nghênh ý tưởng này. Ông nói: “Ở xã mình có nguồn nguyên liệu đót dồi dào, bà con ai cũng ham làm chổi. Bây giờ mà được dạy nghề thì tốt quá”. Đáp ứng nguyện vọng người dân, Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đang có kế hoạch mở lớp dạy nghề làm chổi đót cho bà con khu vực này.

Nâng cao trách nhiệm địa phương

Đợt khảo sát này tiến hành trên 3 đối tượng: Khảo sát về nhu cầu học nghề của lao động khu vực nông thôn; Khảo sát nhu cầu về lao động qua đào tạo nghề tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh; Khảo sát về năng lực đào tạo nghề của các cơ sở dạy nghề.
Nguồn: Tổng cục Dạy nghề

Khi triển khai Đề án, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Đề án này phải chuyển đổi hình thức đào tạo theo khả năng sang đào tạo theo nhu cầu, do đó các bộ, ngành và địa phương phải dự báo chính xác thị trường lao động, nhu cầu học nghề để các cơ quan quản lý đưa ra quy hoạch hệ thống đào tạo phù hợp với từng vùng, miền, chuẩn hoá chương trình đào tạo. Yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại của Đề án chính là làm sao người học phải được tư vấn nghề, được thông tin nghề nào ở địa phương đang có nhu cầu, tránh tình trạng học xong mà không có việc làm.

Về vấn đề này, ông Cao Văn Sâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh, việc quan trọng nhất là các địa phương phải dự báo được nhu cầu lao động, trên cơ sở đó mới tổ chức dạy nghề.

“Dự báo sai đồng nghĩa với việc nông dân học xong không có việc làm. Do vậy, nếu dự báo sai, Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện, tương tự như vậy với cấp huyện, tỉnh. Phải gắn trách nhiệm thì việc khảo sát mới xác thực, tạo thông tin “chuẩn” cho hoạt động dạy nghề.

Theo ông Sâm, từ 8-6, các điều tra viên ở thôn, xã sẽ báo cáo kết quả cho UBND xã. Tới 20-6, UBND xã sẽ báo cáo lên UBND huyện. Tới cuối tháng 6-2010, mạng lưới khảo sát viên trong toàn quốc sẽ hoàn thành nhiệm vụ.