Tổng Thư ký ASEAN (trái) và Thủ tướng Campuchia Hun Sen bên lề Diễn đàn. |
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Thái Lai - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Việt Nam, phát biểu:
“Chúng tôi ý thức rất rõ các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam, nên nhiều năm qua, Chính phủ chúng tôi đặt ra rất nhiều chương trình hành động nhằm ứng phó với sự biến đổi đó. Chẳng hạn, từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều đạo luật, nghị định và huy động cả hệ thống chính trị để thực thi việc bảo vệ môi trường.
Song song đó, Việt Nam khởi động chương trình tái tạo 5 triệu hecta rừng và phát triển rừng ngập mặn, củng cố đê biển, đê sông, đê bao và phối hợp với các nước láng giềng tìm cách bảo vệ nguồn nước sông Mekong... Mặc dù Việt Nam còn thiếu nhiều nguồn lực để thực hiện các kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng với nỗ lực của bản thân và sự trợ giúp của công đồng quốc tế, chúng tôi đang cố gắng để giải quyết vấn đề này”.
“Tăng trưởng xanh không chỉ là một thay đổi mà là mô hình cả thế giới phải hướng đến” - ông Yoon Jong-Soo - Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc nhấn mạnh.
Trong nhiều năm qua, Chính phủ Hàn Quốc rất chú trọng dịch chuyển nền kinh tế từ nước có nhiều ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nặng nề và năng lượng phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tài nguyên không thể tái tạo, để chuyển hướng sang “Chiến lược phát triển mô hình xanh” với mục tiêu cắt giảm 39% khí thải vào năm 2020. Để thực hiện chiến lược này, Hàn Quốc đầu tư 83,6 tỷ USD để “xanh hóa” chín ngành công nghiệp chủ lực”.
Có nhiều câu hỏi đặt ra, liệu chuyển sang mô hình kinh tế xanh có giảm đi sự tăng trưởng? Ông Stuart Dean - Chủ tịch Khu vực ASEAN, GE, Malaysia phát biểu: “Các quốc gia cần thay đổi càng sớm càng tốt vì động lực mới của nền kinh tế xanh là bảo vệ môi trường, phát triển công nghệ sạch và năng lượng sạch, nhanh chóng đạt được mức tăng trưởng kinh tế bền vững.
“Nước chúng tôi đã kiếm được nhiều tiền hơn mặc dù đã bỏ ra 5 tỷ USD để đầu tư cho công nghệ sạch”- ông Stuart Dean nói.
Các tập đoàn lớn muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam
Bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 7-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy. Tổng Giám đốc WTO khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng lộ trình trong từng giai đoạn cụ thể, nhằm tạo bước đi vững chắc trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu, tiếp tục hỗ trợ tư vấn kỹ thuật và tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam vào làm việc tại WTO.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn công nghiệp, tài chính quốc tế lớn gồm Tập đoàn Dubai Holding¸ Deutsche Post DHL, Manpower... Lãnh đạo các tập đoàn khẳng định mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.
Minh Phương