Thị trường chứng khoán Mỹ phiên ngày 8-6 phục hồi nhờ “công” của ông Bernanke. |
Thị trường hàng hóa phục hồi đã giúp nhóm cổ phiếu năng lượng và kim loại tăng trong khi cổ phiếu của các công ty sản xuất chất bán dẫn tiếp tục hạ.
Chỉ số S&P 500 đóng cửa tăng 11,53 điểm lên 1.062 điểm, trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 123,49 điểm, tương đương 1,3%, lên 9.939,98 điểm.
Tổng cộng có 11,5 tỉ cổ phiếu trên thị trường Mỹ được chuyển nhượng, mức cao nhất từ ngày 26-5 đến nay, đồng thời cao hơn khối lượng giao dịch trung bình trong năm 2010 là 20%.
Đằng sau nguyên nhân của việc thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh mẽ là do nhiều nhà đầu tư đã bình tâm trở lại sau khi chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke khẳng định đà phục hồi của nền kinh tế vẫn chưa bị ảnh hưởng tiêu cực.
Mặt khác, các thống kê mới nhất cũng cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ (khảo sát trong tháng năm) đã tăng lên mức cao nhất từ tháng 9-2008 đến nay.
Trong khi đó, làn sóng bán tháo cổ phiếu tại châu Âu vẫn không ngừng tăng khiến thị trường chứng khoán khu vực giảm ngày thứ ba liên tiếp.
Chỉ số Stoxx Europe 600 của khu vực châu Âu hạ 1,1%, còn 240,06 điểm. 18 trong số 19 nhóm cổ phiếu công nghiệp đều mất giá. Chỉ số Stoxx Europe 600 đã giảm 12% từ mức cao nhất trong năm nay, lập được vào ngày 15-4, sau khi hạn mức tín dụng của các quốc gia Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp không ngừng bị đánh giá thấp.
Thông báo mới nhất từ công ty xếp hạng tín dụng Fitch Ratings hôm qua cho thấy, thử thách tài khóa đối với Vương quốc Anh cũng đang được đánh giá là “ghê gớm”.
Thị trường chứng khoán châu Á Thái Bình Dương phục hồi lần đầu tiên trong ba ngày nhờ những “hiệu ứng tích cực” từ lời nhận định của chủ tịch Bernanke. Trung bình cứ bốn cổ phiếu giảm thì có gần năm cổ phiếu tăng.
Chỉ số MSCI của khu vực tăng 0,3%, đạt 109,99 điểm. Các chỉ số Kospi của Hàn Quốc, Nikkei 225 của Nhật, Shanghai Composite của Trung Quốc, Hang Seng của Hồng Kông đều tăng ít nhất là 0,1%.
Thúy Yên