Theo ngành NNPTNT tỉnh Nam Định, từ đầu mùa đánh bắt sứa (tháng Giêng cho đến tháng 4 âm lịch), các doanh nghiệp chế biến hải sản ở huyện Hải Hậu đã xuất khẩu 7.000 tấn sứa thành phẩm, còn các doanh nghiệp ở huyện Giao Thủy xuất khoảng 5.000 tấn.
Tỉnh Nam Định có 72km bờ biển trải dài trên 3 huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu và Nghĩa Hưng. Hàng năm, sản lượng sứa biển tươi khai thác tại tỉnh đạt từ 12.000 – 15.000 tấn. Việc thu mua, chế biến sứa tại các huyện ven biển của tỉnh Nam Định đã có từ lâu, nhưng các doanh nghiệp chế biến thủy sản thu mua sứa tập trung với số lượng lớn để chế biến phục vụ xuất khẩu phát triển mạnh khoảng 10 năm trở lại đây. Tại 2 huyện Giao Thủy và Hải Hậu đã có hơn 10 doanh nghiệp thu mua sứa.
Thu mua sứa tại bến thuyền ở xã Hải Thịnh (Hải Hậu). |
Ông Hoàng Đức Thiện - Giám đốc Công ty Chế biến thủy sản Thiên Phú (xã Hải Triều, Hải Hậu) cho biết: “Hiện tại, chúng tôi thu mua khoảng 150-200 tấn sứa biển/ngày với giá trên dưới 1.000 đồng/kg. Sứa mua về được phân loại, đem ướp muối trong các bể, cho vào máy quay vắt hết nước, cắt chân riêng, mình riêng, thêm công đoạn ướp phèn, ướp muối… sau đó được đóng thùng để xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa”.
Những năm gần đây, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Nam Định đã phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm hiểu, nghiên cứu và tiến hành đưa vào sản xuất sản phẩm sứa ăn liền.
Sản phẩm sứa ướp muối tiêu thụ ở thị trường trong nước không đáng kể do người tiêu dùng không chuộng. Nắm bắt được tâm lý này, các doanh nghiệp chế biến thủy sản đã mở rộng thị trường tiêu thụ sang Hàn Quốc ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc.
Hiện tại, thị trường Trung Quốc chủ yếu tiêu thụ sản phẩm chân sứa, với giá xuất khẩu khoảng 600.000 đồng/thùng (10kg), còn thị trường Hàn Quốc lại chủ yếu nhập thân sứa ướp muối, với giá 200.000 đồng/thùng (10kg). Từ đầu mùa tới nay, riêng Công ty Chế biến thủy sản Ninh Cơ (Hải Hậu) đã xuất khẩu 4.500 tấn sứa, thu hơn 7 tỷ đồng, Công ty Thiên Phú cũng đã xuất 700 tấn sứa ăn liền.
Hồng Châu