Dự luật bỏ ngỏ mảng hàng rong. |
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng: Dự luật mới chỉ tiếp cận ở 2 khía cạnh (người tiêu dùng với tư cách người mua và nhà sản xuất với tư cách người bán), nhưng để hàng hóa đến tay người tiêu dùng, phải qua các khâu trung gian (đại lý phân phối, bán lẻ, trung chuyển...), các khâu này chưa được đề cập trách nhiệm trong dự thảo luật.
"Để tránh hở sườn, cần quy định các loại hình giao dịch hiện có và sẽ có như giao dịch qua mạng" – đại biểu Nguyệt Hường đề nghị.
Đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) cho rằng: "Quy định phải thực tế, nếu chỉ ghi người tiêu dùngcó quyền được sống trong môi trường lành mạnh, trong sạch thì đó chỉ là... khẩu hiệu".
Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) bổ sung: Cơ chế để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng cần phải bàn lại. Xác định đối tượng điều chỉnh phải có thêm người sản xuất, trung gian phân phối hàng hoá. Quyền lợi người tiêu dùng chỉ có thể được đảm bảo nếu có phương thức bán hàng... công khai, minh bạch.
Đại biểu Nguyễn Trung Nhân (Cần Thơ) cũng nêu thực tế, trong nhiều trường hợp người tiêu dùng không được quyền chủ động trong đàm phán, ký kết hợp đồng (hợp đồng mua bán điện, nước, xăng dầu... đất đai). Chính vì thế khi xảy ra tranh chấp thì người mua hàng luôn bị thiệt thòi.
Liên quan tổ chức Bảo về quyền lợi người tiêu dùng, Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường đề nghị "Cần trao quyền, như quyền kêu gọi tẩy chay, nếu hàng hóa đó kém chất lượng hoặc nhà sản xuất vi phạm nghiêm trọng. Ngoài ra, dự luật đã bỏ ngỏ mảng hàng rong, trong khi đây là hình thức bán hàng phổ biến.
Các ý kiến đại biểu cũng cho rằng không nên bắt người tiêu dùng phải chịu các chi phí khi khởi kiện đòi quyền lợi do mua phải hàng hóa không tốt. Dự thảo luật chỉ nói "miễn tạm ứng" chứ không phải là "miễn phí". Điều đó, sẽ hạn chế số lượng người tự lên tiếng bảo vệ mình. Thêm nữa, thực tế trên thế giới, người tiêu dùng cần bàn tay bảo vệ của nhà nước.
Xuân Mai