Dân Việt

Cô dâu Việt trở thành nhân viên nước ngoài đầu tiên tại Ngân hàng Busan

09/03/2011 13:59 GMT+7
Từ tháng 10.2010, những người Việt Nam đến giao dịch tại ngân hàng Busan chi nhánh Dokpotong quận Shasang sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi một cô gái trẻ nhân viên ngân hàng xinh đẹp.

Mới thoáng nhìn người ta sẽ tưởng đó là một người Hàn Quốc, nhưng khi nghe cô nói tiếng Việt rành rọt thì họ mới biết đó là một cô gái Việt Nam.

Cô nhân viên ngân hàng xuất thân từ công việc nội trợ

 img

Năm 2005, Trần Thị Ngọc Phụng bước chân lần đầu tiên tới Hàn Quốc với nhiều bỡ ngỡ của một cô dâu từ xa mới bước vào nhà chồng. Cũng như bao cô gái khác, Ngọc Phụng không tránh khỏi những khó khăn ban đầu trong thời gian thích ứng với cuộc sống nơi đây. Đến một nơi xa lạ, cô nhớ nhà, nhớ mẹ và gia đình vô cùng. Có những đêm cô nhớ nhà và nước mắt cứ lăn dài trên má. Những lúc ấy, chồng Ngọc Phụng là người ở bên cạnh và an ủi, động viên cô.

Một năm sau đó, hai vợ chồng sinh hạ được một cô công chúa nhỏ. Hàng ngày, chồng cô đi làm từ sáng và đến sẩm tối mới trở về nhà. Ở nhà chỉ có hai vợ chồng nên các công việc nhà, Ngọc Phụng là người quán xuyến và lo lắng hết. Chăm con nhỏ, dọn dẹp nấu nướng, những công việc của người nội trợ chiếm hầu hết thời gian của cô trong ngày.

Cô con gái bé bỏng vừa là niềm vui, vừa là sự quan tâm lớn nhất của cô trong những ngày ấy. Nhưng cũng như bao cô gái trẻ làm dâu xứ người khác, Ngọc Phụng cũng tranh thủ từng phút rảnh rỗi để học tiếng Hàn. Không chỉ học để cho cuộc sống của bản thân mình tại nơi đây, cô hiểu ngôn ngữ là thứ vô cùng cần thiết để nuôi dạy con cái và gìn giữ hạnh phúc gia đình nhỏ của mình.

Phải tới một vài năm sau, khi con gái đã lớn hơn một chút, Trần Thị Ngọc Phụng mới có thể chính thức tham gia các lớp học tiếng Hàn tại Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa Busan để được học ngôn ngữ một cách bài bản, đồng thời có thể tìm hiểu thêm về văn hóa cũng như được tham gia các hoạt động dành cho những vợ đến từ nước ngoài như cô.

Đó cũng là một trong những hoạt động tinh thần ngoài công việc nội trợ trong gia đình khi cô có thể dành thời gian gặp gỡ thêm những người bạn cũng đến từ Việt Nam tại Trung tâm và vì thế nỗi nhớ quê hương tha thiết cũng dịu bớt đi phần nào. 

Sau một thời gian theo học tại đây, khi Ngọc Phụng sắp kết thúc khóa học của mình, tình cờ cô đọc được thông báo Ngân hàng Busan cần tuyển nhân viên người Việt Nam có khả năng giao tiếp tiếng Hàn để làm việc. Lúc ấy, mong muốn được làm việc, được tự mình kiếm tiền lại trỗi dậy trong cô. Không chỉ đơn giản là việc kiếm tiền, đó là mong muốn được khẳng định mình, được làm một điều gì đó để cảm thấy mình có ích.

Lúc ấy, việc trở thành một nhân viên làm việc tại một ngân hàng lớn của Hàn Quốc là điều chưa bao giờ cô dám nghĩ tới. Dù tiếng Hàn của cô đã trôi chảy, nhưng cô vẫn cảm thấy còn nhiều e ngại trước một quyết định lớn. Đó cũng dường như là suy nghĩ của tất cả những học viên ở đó.

Nhưng vượt qua tất cả những e dè ấy, Ngọc Phụng chỉ thấy rằng đây là một cơ hội quá tuyệt vời đang hiện ra trước mắt mình, kể cả không thành công thì cũng là một lần thử sức, một kinh nghiệm không phải lúc nào cũng có được đối với cô. Và chính vì thế, cô đã ghi danh vào danh sách những người dự tuyển.

Đăng ký dự tuyển xong, sự lo lắng mới ập đến với Trần Thị Ngọc Phụng. Lo lắng cho ngày phỏng vấn là một chuyện, mặt khác, nếu may mắn trúng tuyển, ai sẽ là người chăm con khi cô con gái mới bước vào tuổi lên 5 và chồng cô cũng là người đi làm giờ hành chính. Nhất là đây chỉ là cuộc phỏng vấn để chọn thực tập sinh. Nếu trúng tuyển, cô còn phải theo học một khóa thực tập kéo dài vài tháng nội trú, nghĩa là phải ăn ở và sinh hoạt tại nơi thực tập chứ không được về nhà.

Nhưng được sự động viên của chồng mình, cô lấy lại được quyết tâm và chuẩn bị cho buổi phỏng vấn sắp diễn ra. Ngày phỏng vấn đã đến, Ngọc Phụng mặc bộ quần áo chỉnh tề nhất và bước chân vào trụ sở Ngân hàng Busan. Cô không khỏi lo lắng và run rẩy trước một sự kiện quan trọng của mình.

Khi được hỏi: “Nếu trở thành nhân viên ngân hàng tại đây, cô sẽ làm gì?”, Trần Thị Ngọc Phụng đã hít một hơi thật sau lấy lại bình tĩnh và trả lời rằng: “Dù tôi không biết về các nghiệp vụ ngân hàng, nhưng nếu được nhận, tôi sẽ cố gắng hết mình để có thể góp phần giúp đỡ những khách hàng nước ngoài tới nơi đây”.

Chính câu trả lời phỏng vấn đơn giản và chân thành ấy dù đã là chiếc chìa khóa giúp cô vượt qua được vòng phỏng vấn và được Ngân hàng Busan nhận vào khóa thực tập sinh. Khi biết được kết quả, Ngọc Phụng như không tin được vào sự thật ấy. Cô hạnh phúc và vui sướng vô cùng như trong một giấc mơ tuyệt đẹp.

Cô nhân viên ngân hàng nước ngoài thân thiện

Có thể nói nếu sự chân thành giúp cô vượt qua buổi phỏng vấn thực tập sinh, thì sự quyết tâm, chăm chỉ và nhanh nhẹn của Trần Thị Ngọc Phụng đã giúp cô vượt lên trở thành một trong những học viên sáng giá và cô đã vượt qua được kỳ thi, trở thành một trong hai học viên được nhận vào làm nhân viên của Ngân hàng Busan.

Từ tháng 6 năm 2010, Ngọc Phụng bắt đầu chính thức khóa đào tạo của mình và đến tháng 10 cùng năm, cô và một người bạn đến từ Uzbekistan trở thành hai người nhân viên nước ngoài đầu tiên được nhận vào làm chính thức. Đó là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực và phấn đấu của Ngọc Phụng.

 img

Trong suốt thời gian thực tập nội trú, không được về nhà chăm chồng con, Trần Thị Ngọc Phụng đã đón mẹ đẻ của mình ở Việt Nam sang và nhờ bà thay mặt chăm sóc con trong lúc mình vắng mặt. Có mẹ sang giúp đỡ, cô cũng phần nào yên tâm và dành được thời gian trong công việc học tập. Hơn ai hết, mẹ cô hiểu những nỗ lực của con gái mình, và bà đã rơm rớm nước mắt khi nghe con gái mình thông báo kết quả tốt đẹp sau suốt 4 tháng học tập và phấn đấu.

Chồng cô cũng rất vui mừng vì những thành quả của vợ cố gắng đạt được. Sau mấy tháng xa nhà, giờ đây không những Ngọc Phụng được trở về với gia đình mình mà còn được đứng ở một vị trí mới mà không phải ai cũng có thể dễ dàng có được.

Buổi sáng Ngọc Phụng dậy sớm và chuẩn bị đồ ăn cho cả nhà. Cô dọn dẹp và chuẩn bị mọi thứ đầy đủ mới cùng chồng bước ra cửa đi làm. Cả hai vợ chồng cùng đi làm nên cuộc sống cũng bận rộn hơn trước. Ngọc Phụng đi làm từ 8 giờ sáng và trở về nhà lúc hơn 6 giờ chiều.

Về đến nhà cô lại làm các công việc nhà và tự tay chuẩn bị đồ ăn tối. Mẹ cô thấy con gái tất bật cũng rất thương và xót xa nhưng trong lòng bà vẫn luôn vui mừng vì thấy con gái mình chăm chỉ và có một cuộc sống hạnh phúc, làm được điều mình mong muốn.

Cô được giao nhiệm vụ làm việc tại chi nhánh Dokpotong tại quận Shasang, nơi có khá nhiều khách hàng nước ngoài tìm đến. Có đôi khi Ngọc Phụng gặp ngay chính những người quen của mình đến ngân hàng giao dịch, những lúc ấy cô cảm thấy rất vui. Có những khách hàng mới gặp lần đầu, nhưng sau vài lần đến chi nhánh này đã quen mặt, quen tên và thân thiết như những người bạn.

Có những cô dâu Việt mới sang, tiếng Hàn còn chưa thông thạo, đến ngân hàng và gặp được Ngọc Phụng, họ rất vui mừng vì có thể giao dịch một cách thuận lợi mà không gặp khó khăn như trước. Những lúc như thế, trong lòng Ngọc Phụng lại nhen nhúm một niềm vui nho nhỏ, cô nhớ lại những ngày đầu tiên cũng gặp nhiều khó khăn khi mới đến nơi đây như thế, và hạnh phúc vì đã có thể góp phần nhỏ bé vào việc giúp đỡ những người đồng hương của mình.

Không chỉ đơn giản là việc giúp đỡ khách hàng, trở thành nhân viên chính thức, Ngọc Phụng còn được trau dồi thêm rất nhiều về tiếng Hàn, đặc biệt là tiếng Hàn chuyên ngành ngân hàng cũng như các nghiệp vụ ngân hàng để phục vụ cho công việc của mình. Cô cũng chăm chỉ làm việc hết mình không kém những nhân viên Hàn Quốc khác và được mọi người rất yêu quý. Công việc ở ngân hàng bận rộn làm cuộc sống của Ngọc Phụng bận rộn gấp đôi trước kia khi cô vừa muốn hoàn thành tốt công việc tại ngân hàng của mình, vừa muốn dành được nhiều thời gian nhất có thể để chăm sóc gia đình mình.

Trần Thị Ngọc Phụng hạnh phúc với những gì mình đang có, đã đạt được, nhưng chắc chắn rằng cô sẽ không tự bằng lòng với chính mình, những gì mình đang làm, mà còn cố gắng để đạt được thêm nhiều thành quả hơn nữa. Cô muốn tất cả mọi người hiểu rằng những cô dâu Việt như mình dù ở một đất nước khác tới đây nhưng luôn cố gắng, chăm chỉ, say mê nhiệt tình làm việc.

Và chắc hẳn rằng sẽ càng ngày càng có nhiều người tìm đến chi nhánh Dokpotong vì cô, và trong tương lai sẽ có thêm nhiều ngân hàng cũng như các tổ chức khác sẽ tiếp tục tìm đến các trung tâm đa văn hóa để tìm những nhân viên Việt Nam tuyệt vời như cô gái trẻ ấy.

Theo Đang yêu