Dân Việt

Gửi niềm tin yêu với Bác

13/05/2013 11:01 GMT+7
(Dân Việt) - Sau hơn 8 tháng phát động (8.2012), cuộc thi “Bác Hồ với các dân tộc thiểu số, các dân tộc thiểu số với Bác Hồ kính yêu” Ban tổ chức đã nhận được 51.000 bài và hiện vật.

Đến nay, Ban tổ chức đã chọn ra được những tác phẩm tiêu biểu để trao giải. Trao đổi với phóng viên NTNN, GS - TS Hoàng Chí Bảo – Trưởng ban Giám khảo cuộc thi cho biết: Cuộc thi - cuộc vận động này nhằm mục đích phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để thúc đẩy hơn nữa công cuộc đổi mới.

img
Sinh viên Học viện An ninh với tác phẩm dự thi đoạt Giải Nhất.

Đây cũng là động lực tinh thần rất to lớn đối với không chỉ đồng bào các DTTS mà còn với tất cả người dân Việt Nam. Bởi lẽ chúng ta đang hướng tới kỷ niệm ngày sinh lần thứ 123 của Bác và ghi lòng tạc dạ những lời Bác viết trong Di chúc, đã gắn với sự lớn lên, trưởng thành của các thế hệ người Việt Nam.

Ông đánh giá thế nào về chất lượng các bài dự thi?

- Các bài dự thi đều thể hiện những tâm huyết rất cảm động, rất đáng trân trọng, thể hiện tình cảm của người dân đối với Bác cũng như của Bác đối với nhân dân, nhất là đồng bào các DTTS. Có thể nói, cuộc thi đã thu hút được số lượng rất đông người dân tham gia với đủ các thành phần, lứa tuổi, trình độ khác nhau, từ khắp cả nước và ở nước ngoài. Điều này cho thấy hiệu ứng xã hội của cuộc thi là rất lớn.

Cuộc thi do Ủy ban Dân tộc phối hợp Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức. Lễ trao giải sẽ diễn ra tại TP. Vinh (Nghệ An) vào ngày 17.5 tới.

Trong quá trình chấm giải, tác giả, tác phẩm nào gây ấn tượng nhất đối với ông?

- Tôi ấn tượng tới giải thưởng tập thể của Học viện An ninh. Đó là những sinh viên còn rất trẻ, sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đổi mới, các em đã gửi đến những tác phẩm rất dày dặn và đồ sộ, đóng thành từng quyển. BGK đã quyết định trao cho họ Giải Nhất.

Đối với giải cá nhân, tôi đặc biệt nhấn mạnh đến 2 giải thưởng. Đó là Giải Nhất dành cho cô giáo trẻ Ngô Tố Uyên ở Trường THPT Minh Hà (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh). Là giáo viên dạy môn hóa học nhưng lại rất quan tâm đến các lĩnh vực về xã hội nhân văn, và với tình cảm yêu thương thành kính đối với Bác, cô đã dồn công sức biên soạn thành 4 quyển lớn với hàng nghìn trang, trong đó chia thành từng thể loại, phân loại tư liệu, có ảnh, các bài viết nghiên cứu, cảm nhận, cảm nghĩ về tư tưởng của Bác với dân tộc; tình cảm của Bác với đồng bào DTTS; ước mong của Bác làm cho dân giàu nước mạnh... Tác phẩm này đã đạt điểm gần như cao nhất.

Nhưng gây ấn tượng nhất là cụ Vũ Đình Kỵ (74 tuổi) ở thôn Quỳnh Khê, xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành (Hải Dương), đã gửi dự thi một công trình rất đồ sộ, đóng quyển khổ lớn, số lượng trang cũng không kém gì của cô giáo Uyên và lại toàn viết tay rất nắn nót, công phu. Ban Tổ chức quyết định trao Giải Nhì và giải dành cho thí sinh cao tuổi nhất.

Qua cuộc thi này, Ban tổ chức mong sẽ sưu tầm, phát hiện thêm nhiều tư liệu, hiện vật quý về Bác. Vậy có nhiều thông tin, tư liệu mới được phát hiện không, thưa ông?

- Trong quá trình chấm, chúng tôi thấy cũng có những tư liệu mới đáng chú ý. Tuy nhiên, đã là những tư liệu lịch sử thì cần có sự kiểm chứng. Đứng về phương diện tình cảm thì rất đáng trân trọng, nhưng vẫn cần thiết phải thông qua giám định khoa học, phải căn cứ vào ý kiến của các viện nghiên cứu, các khu di tích, bảo tàng, các cơ quan chuyên trách nên chưa thể đánh giá ngay được mà phải có thời gian. Vì vậy cũng chưa thể công bố.

Xin cảm ơn ông!