Dân Việt

Tiếng khèn vượt thời gian

04/06/2012 07:44 GMT+7
(Dân Việt) - Người Mông ở xã Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang từ ngàn xưa đã quan niệm rằng, cây khèn là nhịp nối giao tiếp linh thiêng giữa trần gian và cõi thần linh.

Tiếng khèn không chỉ được vang lên trong các dịp hành lễ, hội bản, mà còn trong cả cuộc sống thường nhật, bởi nó thể hiện tâm hồn, bản sắc dân tộc và ẩn chứa cả những thông điệp sâu xa, thầm kín của con người.

Để có được một cây khèn vang âm đúng điệu Mông, không phải ai muốn cũng làm được và cũng không có nơi nào dạy làm khèn chuyên nghiệp. Thường thì các gia đình nghệ nhân làm khèn sẽ tự đúc rút kinh nghiệm để "cha truyền con nối".

img
Khèn - linh hồn của miền đá xám.

Nghề làm khèn cũng thật công phu. Trước tiên là phải lựa được thân khèn bằng một loại gỗ họ thông, thớ gỗ thẳng, không mối mọt. Cây gỗ sau khi được chặt xuống, phải ngay lập tức cắt khúc dày từ 80 - 90cm, bổ đôi và khoét rỗng theo chiều dài thân cây, rồi áp hai thân cây lại như cũ, buộc chặt để nhựa tự kết dính.

Những đoạn gỗ tươi này được đem về để khô trên gác bếp, rồi mới tạo hình dáng bầu, khoét các lỗ trên thân để lồng các ống trúc vào. Ống làm khèn là những thân trúc trên 10 năm tuổi, thẳng đẹp, để khô mới tiện lỗ, lắp ráp lại với thân khèn.

Sở dĩ phải sấy khô cả thân và ống trúc để vừa chống mối mọt, vừa tạo ra có độ chính xác cao khi khoét gióng đưa vào thân khèn được khít, không lọt gió và khi gặp thời tiết thất thường ít bị co dãn, nứt nẻ. Cuốn quanh thân khèn là loại dây được tách từ vỏ cây đào rừng, vừa để giữ chặt bầu khèn, vừa mang tính trang trí.

“Nhìn cây khèn ai cũng nghĩ là đơn giản, nhưng nó đòi hỏi rất nhiều tâm huyết. Làm khèn không dùng thước mà đo bằng tay, tính bằng mắt...” - Nghệ nhân Mua Vạn Tủa chia sẻ.

Có thể nói, tiếng khèn đã đem vẻ đẹp dung dị, chân mộc của tâm hồn người Mông gửi vào đá núi, mây ngàn tạo nên một nét đẹp văn hóa có sức sống vượt thời gian.