Dân Việt

Cận cảnh mạng lưới phòng không dày đặc của Triều Tiên

06/04/2013 13:01 GMT+7
Dân Việt - Bình Nhưỡng sở hữu một mạng lưới phòng không dày đặc. Lực lượng phòng không này được cấu thành từ các tên lửa phòng không tầm xa, tầm trung, tầm thấp cùng hàng chục ngàn khẩu pháo phòng không các loại.

Triều Tiên có khoảng 240 bệ phóng với 1.590 tên lửa phòng không tầm cao có định hướng SA-2. Đây được coi là loại tên lửa phòng không thành công nhất trong thực chiến. SA-2 có tầm bắn khoảng 45km, tầm cao vượt quá 20km.

img
Với tên lửa phòng không tầm trung SA-3, phòng không Triểu Tiên có khoảng 32 khẩu đội với 128 bệ phóng đã được triển khai.

Với tên lửa phòng không tầm trung SA-3, phòng không Triểu Tiên có khoảng 32 khẩu đội với 128 bệ phóng đã được triển khai. Ít nhất có 6 khu vực triển khai tên lửa SA-3 được bố trí trong các boongke kiên cố để bảo vệ bệ phóng và radar trước vũ khí của đối phương.

Thực trạng và số lượng của tên lửa phòng không tầm trung di dộng SA-4 trong biên chế phòng không Triều Tiên không thực sự rõ ràng. Hệ thống này được trang bị trên khung gầm xe bánh xích, mỗi xe phóng mang 2 tên lửa. SA-4 có tầm bắn khoảng 55km, tầm cao khoảng 24,5km. Tên lửa được trang bị đầu đạn tới 150kg với bán kinh sát thương rất lớn.

Triều Tiên cũng được cho rằng sở hữu loại tên lửa phòng không di động SA-13. Đây là loại tên lửa phòng không tầm thấp sử dụng đầu dò hồng ngoại để tìm kiếm và tiêu diệt mục tiêu. SA-13 có tầm bắn khoảng 6km, tầm cao khoảng 3,5km. Loại tên lửa này đã bắn hạ ít nhất 2 chiếc cường kích A-10 trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Tên lửa phòng không có tầm bắn xa nhất trong biên chế phòng không Triều Tiên là SA-5. Theo các nguồn tin không chính thức, Bình Nhưỡng đang sở hữu từ 24 đến 40 bệ phóng loại tên lửa này. SA-5 có tầm bắn tới 300km, tầm cao tới 40km được trang bị đầu đạn nặng tới 217kg.

SA-5 là loại tên lửa phòng không có đầu đạn nặng nhất đang hoạt động, trọng lượng đầu đạn của SA-5 còn lớn hơn cả tên lửa chống hạm Kh-35 của Nga hay RGM-84 của Mỹ. SA-5 thực sự là một hệ thống tên lửa phòng không đáng sợ.

Theo một số nguồn tin không chính thức, Bình Nhưỡng đang có trong tay loại tên lửa phòng không tầm trung di dộng khá lợi hại là SA-6. Hệ thống tên lửa này được mệnh danh là “3 ngón tay thần chết” bởi khả năng tuyệt vời của nó trong thực chiến. Tên lửa có tầm bắn 24km đời đầu và 35 km với biến thể nâng cấp, tầm cao 14km.

img
Triều Tiên được cho là sở hữu tên lửa phòng không tầm trung di dộng khá lợi hại là SA-6.

Đặc biệt có thông tin cho rằng, Triều Tiên đã mua được hệ thống tên lửa phòng không tầm trung di động hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay là SA-17 từ Nga. Đây là hệ thống được phát triển từ SA-6, mỗi xe phóng mang 4 tên lửa, nó được ví là “4 ngón tay thần chết”.

Tên lửa có tầm bắn 30-50km, tầm cao 14-22km, SA-17 thực sự là thách thức rất lớn cho bất kỳ loại máy bay chiến đấu nào. Tuy nhiên, khả năng Triều Tiên có được SA-17 là rất thấp bởi Nga khó lòng “vượt rào” lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc để bán cho Bình Nhưỡng.

img
Có thông tin cho rằng, Triều Tiên đã mua được hệ thống tên lửa phòng không tầm trung di động hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay là SA-17.

Bên cạnh các loại tên lửa phòng không có nguồn gốc từ Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên đã phát triển thành công hệ thống tên lửa phòng không tầm xa KN-06 dựa trên hệ thống tên lửa tầm xa S-300 của Nga. Tình báo Hàn Quốc nhận định, khoảng 6-8 hệ thống KN-06 đã được triển khai hoạt động bảo vệ khu vực Bình Nhưỡng.

Tên lửa phòng không KN-06 có tầm bắn khoảng 90km, nhiều khả năng Triều Tiên đã nâng cấp tầm bắn lến 150km tương tự như S-300 của Nga. Tính năng kỹ thuật của KN-06 tuy không thực sự rõ ràng nhưng nó vẫn là thách thức không nhỏ cho các máy bay Mỹ-Hàn.

Ngoài ra, phòng không Triều Tiên còn có khoảng 15.000 đơn vị tên lửa phòng không vác vai loại SA-7, SA-14, SA-16. Pháo phòng không các loại khoảng 11.000 đơn vị bao gồm: Pháo phòng không hạng nặng KS-30 130mm, KS-19 100mm, KS-12 85mm. Pháo phòng không hạng trung 37, 57mm, pháo phòng không tự hành Zsu-23-4 23mm, Zsu-23-2 23mm.

Hệ thống radar cảnh giới Triều Tiên khá lạc hậu chủ yếu là các hệ thống được Liên Xô viện trợ thập niên 70 cùng một số hệ thống từ Trung Quốc. Các radar cảnh giới gồm có: P-12/18, P-14, P-15, P-35/37, radar đo độ cao PRV-11, radar di động 3 tham số 36D6, radar di động 3 tham số JY-8 của Trung Quốc. Các loại radar này có phạm vi cảnh giới từ 250-500km.

Radar điều khiển hỏa lực S-75 Fan Song dùng cho SA-2, S-125 Low Blow dùng cho SA-3, 1S91 dùng cho SA-6, 5N62 dùng cho SA-5.

Đón đọc:Ẩn số năng lực tác chiến của Phòng không Triều Tiên