Nhiều lao động xem xét giấy tờ chuẩn bị làm thủ tục đăng ký bảo hiểm thất nghiệp. |
Đủ mọi lý do
Sáng 9-6, tại Trung tâm Giới thiệu Việc làm (62/8 Cách Mạng Tháng Tám, TP.Biên Hòa) công nhân chen nhau đăng ký Bảo hiểm thất nghiệp. Quá trưa, dọc các dãy ghế của Trung tâm nhiều công nhân ở xa nằm ngồi la liệt chờ đầu giờ chiều làm thủ tục.
Vẻ mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt, chị Đào Thị Oanh - công nhân Công ty giày TaekWang Vina, cho biết: “Tôi nộp hồ sơ từ ngày hôm qua nhưng vì nhiều người đến đăng ký quá nên đến chiều nay vẫn chưa làm xong. Bạn tôi ở các huyện khác phải ở nhờ lại nhà người quen chờ hôm sau làm tiếp”.
Khi hỏi lý do vì sao chấm dứt hợp đồng với công ty, chị Oanh bộc bạch: “Tôi làm được hai năm, mức lương 2 triệu đồng/tháng cũng đủ sống. Nhưng công việc ép đế giày làm lâu dài tôi sợ hại sức khỏe nên thôi việc”.
Chị Trần Thị Bảo Chi với thâm niên 8 năm làm tại Công ty Mabuchi, tỏ ra bức xúc: “Cả tuần tăng ca đêm chịu không nổi. Giờ tôi mệt mỏi lắm. Chờ nhận tiền bảo hiểm xong nghỉ ngơi một hai tháng rồi mới tính đến xin việc mới”.
Ngoài nguyên nhân áp lực công việc lớn mức lương thấp cũng khiến nhiều công nhân xin thôi việc. Anh Đỗ Kim Trọng quê tận Hưng Yên, làm việc tại Công ty Casumina, thật thà: “Mức lương của tôi ăn theo sản phẩm. Tháng nào giỏi lắm thì được 2 triệu đồng, còn đâu chỉ hơn 1 triệu đồng. Chừng đó tiền giờ sao sống nổi”.
Đi tìm lời giải
Chị Bùi Thị Mai Hiền (Công ty giày TaekWang Vina)
Gần đây, số lượng các doanh nghiệp đăng ký tuyển lao động trực tiếp tại sàn giao dịch việc làm ở TP.Biên Hòa tăng cao. Bình quân mỗi tháng, các doanh nghiệp cần khoảng 2.000 lao động. Nhiều doanh nghiệp còn treo băng rôn, poster tuyển công nhân ngay trước cổng công ty và dọc hai bên đường. Song tại Trung tâm Giới thiệu Việc làm Đồng Nai, bình quân mỗi ngày có khoảng 150 người đến đăng ký Bảo hiểm thất nghiệp.
Theo thống kê, chỉ trong tháng 5, lượng người đăng ký Bảo hiểm thất nghiệp tăng 2.000 người so với tháng 4. Giải thích nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, ông Mao Quốc Trung - Phó Giám đốc Trung tâm nói: “Nhiều doanh nghiệp đặt băng rôn quảng cáo tuyển dụng rầm rộ với mức lương cao, nhưng thực ra họ tính luôn cả việc tăng ca. Khi công nhân xin vào làm một thời gian thấy lương thấp nên thất vọng lại bỏ việc”.
Theo ông Trung, trong thời gian tới lượng lao động tại các khu công nghiệp sẽ còn thiếu nghiêm trọng. Việc cạnh tranh tuyển dụng người lao động giữa các công ty ngày càng gay gắt. Do đó các doanh nghiệp nên tăng chế độ phụ cấp về lương bổng và giảm điều kiện tuổi tác, trình độ... cho công nhân để giữ chân lao động cũ và tuyển được lao động mới. Về biện pháp lâu dài, các doanh nghiệp cần tuyển lượng lao động lớn, nên chủ động đến các tỉnh khác liên hệ tìm nguồn lao động mới thay vì ngồi tại chỗ.
Hiếu Mỹ