Dân Việt

Giá xăng gánh thêm 1.000đ phí bảo trì đường bộ

12/06/2010 08:12 GMT+7
Theo tính toán tại Dự thảo về Quỹ bảo trì đường bộ do Bộ GTVT soạn thảo thì phương tiện tham gia giao thông sẽ phải chịu 1.000 đồng/lít xăng.
img
Trong cơ cấu giá xăng, dầu đã có quá nhiều thuế và phí

Riêng xe chạy dầu diezel có thể phải đóng tối đa là 1,44 triệu đồng/tháng và về lâu dài sẽ phải lắp thêm thiết bị tính phí.

Ba phương án thu phí

Bộ GTVT cho biết, trên cơ sở phân tích thực trạng công tác tổ chức thu phí giao thông tại các trạm thu phí đường bộ hiện nay (như tính manh mún trong hoạt động tổ chức thu phí, tính bất tiện khi phương tiện qua trạm thu phí lại phải dừng để mua vé, dễ gây ách tắc giao thông; chi phí tổ chức thu lớn, chiếm đến 15% số thu). Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng 3 phương án tổ chức thu phí sử dụng đường bộ.

Phương án một là sẽ tiến hành thu phí đường bộ qua giá xăng và dầu diezel tiêu thụ trên cả nước, rồi tổ chức hoàn lại tiền cho các đối tượng đã tiêu thụ xăng, diezel nhưng không sử dụng cho mục đích tham gia giao thông đường bộ.

Với mức thu phí sử dụng đường bộ qua giá xăng, dầu diezel đề xuất là 1.000 đồng/lít, Bộ GTVT dự kiến số thu của quỹ bảo trì đường bộ khoảng 5.765 tỷ đồng/năm. Trong đó, số thu qua giá bán xăng khoảng 2.971 tỷ đồng/năm và qua dầu diezel là khoảng 2.794 tỷ đồng/năm.

Bộ GTVT cho rằng, phương án này có ưu điểm là việc tổ chức thu đơn giản, tiện lợi, tiết kiệm chi phí tổ chức thu... Ngoài ra, với phương án này việc thu phí cũng đảm bảo được tính công bằng, phương tiện tham gia giao thông nhiều, trọng tải lớn sẽ tiêu tốn nhiên liệu nhiều nên phải nộp phí sử dụng đường bộ nhiều hơn. Tuy nhiên, việc tổ chức hoàn lại tiền cho các đối tượng đã tiêu thụ xăng, diezel nhưng không sử dụng cho mục đích tham gia giao thông đường bộ lại rất phức tạp.

Phương án hai là thu phí sử dụng đường bộ theo đầu xe môtô, xe máy đăng ký mới và thu theo đầu xe ôtô khi đi kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Theo phương án này, dự kiến số thu cho quỹ đạt khoảng 6.137 tỷ đồng/năm.

Phương án ba, được Bộ GTVT đánh giá sẽ “tạo sự dung hoà, tận dụng ưu điểm và hạn chế của hai phương án trên” và kiến nghị áp dụng thu phí theo phương án này. Theo đó, đề xuất thu phí sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông đường bộ sử dụng nhiên liệu là xăng qua giá bán với mức thu dự kiến 1.000 đồng/lít (giống như phương án 1).

Với phương tiện tham gia giao thông đường bộ sử dụng nhiên liệu diezel sẽ tiến hành thu trực tiếp theo đầu phương tiện. Để triển khai việc thu phí, các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng sử dụng nhiên liệu diezel sẽ phải gắn một loại thiết bị hành trình tính phí (thiết bị tính phí) ở trục xe, có đồng hồ hiển thị ở ca bin để đo số kilomet phương tiện tham gia giao thông, tương ứng với chỉ số được ghi trên thẻ phí do người sử dụng phương tiện mua.

Theo tính toán, xe con, xe tải dưới 2 tấn, xe du lịch dưới 12 ghế sẽ có mức thu 180.000 đồng/tháng và cao nhất sẽ là 1,44 triệu đồng/tháng đối với xe tải từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 fit.

Khi đó, chủ hoặc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có thể mua phí sử dụng đường bộ theo tháng, theo kỳ đăng kiểm, hoặc mua cho cả năm. Đến kỳ đăng kiểm, chủ hoặc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải xuất trình hóa đơn chứng minh đã nộp phí sử dụng đường bộ kể từ thời điểm đăng kiểm gần nhất.

Chất thêm gánh nặng

Hiện nay, trên mỗi lít xăng dầu đã gánh quá nhiều các loại chi phí, các loại thuế, phí. Trong cơ cấu giá xăng bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế GTGT 10%, thuế nhập khẩu 17% (dầu hỏa và diesel là 10%), phí xăng dầu 1.000 đồng/lít.

Theo bảng giá cơ sở ngày 10-6 của Petrolimex, giá CIF của mặt hàng xăng A92 nhập về cảng Việt Nam là 9.840 đồng/lít, giá cơ sở là 16.168 đồng/lít và giá bán hiện hành là 15.990 đồng/lít. Tổng cộng các loại thuế và phí trong giá xăng là 4.640 đồng/lít.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, mức đề xuất thu phí bảo trì đường bộ 1.000 đồng/lít xăng là quá cao so với thu nhập của đại đa số người dân hiện nay.

Việc thu phí là cần thiết nhưng vấn đề là nguồn thu đó phải hợp lý và được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Không nên thu tiền rồi mà vẫn tắc đường, đường đầy ổ gà, biển báo lôm nhôm không rõ.

Hiện nay, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp rất hạn chế, người tiêu dùng có mức thu nhập lại quá thấp, nên chi phí đầu vào lớn như vậy là chưa hợp lý. Sắp tới nếu tính thêm phí môi trường và bảo trì đường bộ vào mỗi lít xăng là quá sức chịu đựng với người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, khoản phí bảo trì đường bộ đang được thu thông qua các trạm thu phí, còn nếu thu qua giá xăng thì các công ty kinh doanh xăng dầu thu hộ khoản phí này. Như vậy, chỉ là thay đổi hình thức thu, nếu phương án thu phí mới có thể giúp giảm chi phí cho công tác thu.

Theo dự thảo, Bộ GTVT và UBND các tỉnh sẽ rà soát, xây dựng phương án xử lý các trạm thu phí hiện nay trên hệ thống đường bộ. Cụ thể, các trạm thu phí để hoàn vốn đầu tư dự án BOT thì tiếp tục thu phí đến hết thời hạn hợp đồng. Các trạm thu phí khác sẽ tiến hành dừng thu phí kể từ ngày 1-7-2011.

Theo Hùng Anh
ANTĐ