Đó là thông tin mới nhất mà Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Nguyễn Thế Cường cung cấp trong cuộc trao đổi qua điện thoại với phóng viên NTNN chiều tối 5.9.
Người dân Syria di tản sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo thống kê, có khoảng từ 21 - 25 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Syria, trong số đó có 3 người đã cầu cứu Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ để sơ tán họ ra khỏi Syria khi tình hình ở đây đang vô cùng nguy hiểm.
Tiếng kêu cứu từ vùng chiến sựĐại sứ Nguyễn Thế Cường cho biết, qua đường dây nóng của Đại sứ quán, một phụ nữ Việt Nam sống ở thủ đô Damacus của Syria có tên là Dương Thị Lan đã gọi điện cầu cứu sứ quán giải thoát chị khi tình hình loạn lạc ở Syria có thể cướp đi tính mạng của chị bất cứ khi nào. Chị Lan quê ở Thanh Hóa, đã sang Syria từ năm 2007. Tuy nhiên, những năm tháng qua, chị Lan sống ở Damascus trong tình trạng không có giấy tờ tùy thân. Tình hình ở Syria căng thẳng từ tháng 3.2011 và đến thời điểm gần đây khi cuộc nội chiến giữa quân đội chính phủ và phe nổi dậy dâng đến đỉnh điểm, đặc biệt là sự hỗn loạn trong dân chúng trước thông tin Mỹ sẽ tấn công tên lửa vào Damacus, khiến những người Việt như chị vô cùng hoang mang lo sợ.
Sau khi nhận được cầu cứu của chị Dương Thị Lan, đích thân Đại sứ Nguyễn Thế Cường đã liên lạc với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Thổ Nhĩ Kỳ để nhờ hỗ trợ giải cứu chị Lan. IOM ở Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã liên lạc với IOM ở Syria để cung cấp thông tin. Chị Lan được IOM đưa đến nơi cư trú an toàn trước khi lên máy bay trở về Việt Nam.
Chị Lan cho biết có 2 phụ nữ khác là chị Mỹ Hạnh và chị Thảo cũng đang cầu cứu như chị. Từ thông tin và số điện thoại chị Lan cung cấp, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã gọi điện tìm kiếm 2 phụ nữ này. Đại sứ Nguyễn Thế Cường cho biết, riêng trường hợp tìm kiếm chị Mỹ Hạnh rất vất vả vì chị này đang sống ở thành phố Alleppo - điểm nóng chiến sự thứ 2 ở Syria.
Theo anh Dương Quý Nam - Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, khi kết nối được với chị Mỹ Hạnh, chị đã khóc nức nở vì sợ hãi. Chị miêu tả, ngày nào cũng có tiếng súng đạn, lo sợ đến nghẹt thở, đôi lúc có cảm giác sự sống và cái chết ở nơi đây rất mong manh. Mong muốn của chị là được trở về Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam đã gấp rút hoàn tất giấy thông hành để hỗ trợ cho những công dân này trở về an toàn và hợp pháp.
Lại một lần nữa Đại sứ quán đã kết nối với IOM, tuy nhiên, việc đưa chị Mỹ Hạnh ra khỏi Aleppo không hề đơn giản, bởi tên rơi đạn lạc ở thành phố này là chuyện không hiếm hoi. Lộ trình mà IOM vạch ra để giải cứu chị Hạnh là đi từ Alleppo, qua ngả Damascus bằng xe ô tô cắm cờ quốc tế, bởi không chỉ quân đội chính phủ Syria, quân đối lập cũng có quy định không được tấn công những chiếc xe có cắm cờ của các tổ chức nhân đạo quốc tế và các phái đoàn ngoại giao.
Khi đến được Damascus, chị Hạnh được cung cấp vé máy bay và chờ thời điểm chuyến bay phù hợp để sang Lebannon, rồi từ đó sẽ chờ đáp chuyến bay trở về Việt Nam. Khi chúng tôi liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, các cán bộ sứ quán cho biết, họ mới nhận được thông tin mới nhất, chị Mỹ Hạnh đã ra khỏi biên giới Syria an toàn, và đang trên hành trình về Việt Nam.
Mọi ngả đến Syria đều đã đóng lạiĐại sứ Nguyễn Thế Cường cho biết, hiện tình hình ở Syria đang rất nóng bỏng. Các cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Damascus cũng đã đóng cửa và đặc biệt các cửa khẩu biên giới vào Syria đã đóng lại. Đối với số người Việt còn lại, Đại sứ Cường cho biết, họ phần lớn là phụ nữ sang làm giúp việc trong các gia đình. Hiện những người này chưa có nguyện vọng quay về. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của sứ quán, số người này hiện đã tìm được nơi ẩn trú tạm thời trong khuôn viên tòa nhà Đại sứ quán Philippines ở Syria.
Đại sứ Cường cho biết, trong trường hợp khẩn cấp, Đại sứ quán sẽ tiếp tục hỗ trợ để giải cứu công dân Việt Nam. “Nếu cần, các cán bộ đại sứ quán sẵn sàng khoác ba lô lên đường giải cứu bà con” - Đại sứ Nguyễn Thế Cường nhấn mạnh.
Theo Đại sứ Nguyễn Thế Cường, Syria đang thực sự hỗn loạn, đặc biệt là nguy cơ bị Mỹ tấn công đang cận kề. Theo nhận định của ông Cường, nhiều khả năng, kế hoạch tấn công của Mỹ sẽ trở thành hiện thực và thời điểm dự đoán là sau ngày 9.9.
Hiện ở thành phố biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang có rất nhiều người Syria di cư đang sống tạm. Khu vực này cũng đang quy tụ rất nhiều phóng viên của các hãng thông tấn trên thế giới. “Vào được Syria bây giờ là điều không thể”- Đại sứ nhấn mạnh.