Dân Việt

Gióng lại âm thiêng xứ sở

08/09/2010 06:37 GMT+7
(Dân Việt) - 100 chiếc trống đồng mới, đẹp và thiêng liêng từ xứ Thanh vừa được đưa ra Hà Nội chờ ngày nổi âm mừng Thủ đô tròn thiên niên kỷ. Cùng với sự kỳ công của các nghệ nhân, đây còn là kết tinh của sự hướng tâm từ nhiều trái tim người dân Việt.
img
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh trống đồng tại Lễ cầu an, cầu phúc ở Văn Miếu ngày 29-8-2010.

Ý nguyện thiêng liêng

Ý tưởng đúc trống đồng dâng đại lễ ngàn năm được nhanh chóng hoàn chỉnh vào một ngày hạ đẹp trời năm 2009 khi KTS Hồ Quang Sơn - Chủ tịch Liên chi Hội di sản văn hoá VN tại Thanh Hoá và nhà sử học Dương Trung Quốc gặp nhau trên bãi biển Sầm Sơn.

Sự kiện đặc biệt biểu diễn trống đồng trong chương trình khai hội

Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ được truyền hình trực tiếp vào bình minh ngày 1-10-2010.

Ông Quốc vốn là tác giả của sáng kiến: "Mỗi người một giọt đồng đúc nên tượng danh nhân", còn ông Sơn lại là người nặng nợ với trống đồng xứ Thanh quê ông.

Hai suy nghĩ gặp nhau ở nỗi niềm tri ân tiên tổ. Vậy nên ý tưởng đúc trống dâng đại lễ vừa công bố đã nhận được sự đồng thuận cao của xã hội. Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu động viên: “Trống đồng là báu vật quốc gia, là di sản văn hoá của dân tộc, cần được lưu giữ muôn đời”.

Người dân xứ Thanh ở các huyện Đông Sơn, Quảng Xương và các vùng lân cận đã tự nguyện tháo nhẫn, hoa tai, dây chuyền vàng góp vào mẻ đồng đương sôi với lời cầu thành tâm: Mong trống đồng dâng lễ hội ngàn năm mãi linh thiêng, linh ứng!

Anh Thiều Quang Tùng - người con của quê hương trống đồng Đông Sơn, một trong hai nghệ nhân đúc trống đồng dâng đại lễ ngàn năm kể lại rằng, có những cụ già chống gậy hoặc là nhờ con cháu dẫn đến nhà anh xem đúc trống, đã tháo nhẫn cưới lưu giữ 50-60 năm thả vào nồi đồng "cho tiếng trống linh thiêng". Trước khi thả nhẫn, các cụ còn thắp hương khấn vái tám hướng mười phương rất thành tâm.

img
Điệu múa lạc hồng

Công phu dựng nghiệp

Kỹ thuật đúc trống đồng, theo anh Tùng, là vô cùng phức tạp, gồm nhiều công đoạn, nhiều thao tác rất tỉ mỉ và nghiêm ngặt. Ngay từ khâu nhào đất để tạo khuôn đúc đã thấy phức tạp: Đất sét phơi khô trắng, giã thành bột trộn với trấu trắng, sau đó nhào thành ba loại đất. Đất già trộn nhiều trấu, đất vừa trộn vừa trấu, đất non trộn ít trấu. Già, vừa và non đến đâu không có tỷ lệ cụ thể mà phụ thuộc vào từng loại đất và cảm giác của bàn tay người thợ...

Để nắm chắc các bí quyết như thế, Thiều Quang Tùng đã phải bỏ ra hơn mười năm tầm sư học đạo. Từng biết đến giá trị cổ vật từ khi mới 6 - 7 tuổi, lớn lên theo nghề sưu tầm, trao đổi cổ vật, ít năm sau anh nhận thấy phục chế cổ vật có lợi nhiều mặt hơn, Tùng khăn gói quả mướp đến làng đúc đồng cổ Trà Đông ở Thiệu Trung (Thiệu Hoá, Thanh Hoá) học hỏi.

Bị anh em, họ mạc mắng là đồ viển vông, thằng thần kinh tâm thần… Tùng chỉ biết lấy câu Kiều "Chót mang lấy nghiệp vào thân", quyết… bán nhà để nuôi niềm đam mê ấy.

Chờ ngày tiếng trống vang xa

Phải hao tổn nhiều mồ hôi nước mắt lắm, đến năm 2005 anh mới "bắt quyết" được "tuyệt kỹ" đúc đồng của cha ông và đúc thành công chiếc trống đầu tiên.

5 năm làm nghề, sung sướng và ấn tượng nhất với Tùng là khi anh cùng Hội Cổ vật Thanh Hoá đi đúc trống đồng biểu diễn tại phố cổ Hội An năm 2007 trong chương trình giao lưu văn hoá Việt - Nhật. Tại đây GS Trần Văn Khê đã cầm dùi nổi trống và xúc động nói rằng: Tôi đã được nhìn và được chạm vào trống nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe được âm vang của hồn thiêng dân tộc!

Tháng 10 tới, toàn dân VN cũng sẽ có được niềm hạnh phúc như GS Trần Văn Khê: Nghe âm vang của hồn thiêng dân tộc từ dàn trống đồng 100 chiếc do các nghệ nhân của quê hương trống đồng chế tác.