Dân Việt

Giá sữa ngoại "chạy" trước Thông tư

08/09/2010 15:02 GMT+7
(Dân Việt) - Khác với lời giải thích là nguyên liệu tăng, biến động tỉ giá... khiến giá sữa tăng, nhiều ý kiến cho rằng trước thời điểm Thông tư số 112 của Bộ Tài chính có hiệu lực (từ 1 - 10), một số doanh nghiệp đã "lách luật" để tăng giá sữa.

Điệp khúc tăng giá

Ngay trong những ngày nghỉ lễ đầu tháng 9 vừa qua, nhiều hãng sữa đã đưa ra thông báo giá bán mới, trung bình tăng thêm từ 8 - 10%. Cụ thể, ngày 1-9, sữa Anmum sản xuất từ New Zealand tăng 10%, hộp 400g từ 125.000 đồng tăng lên 134.000. Hộp 900g từ 225.000 lên 240.000 đồng.

img
Giá sữa tăng, gánh nặng đè trên vai các bà mẹ. Ảnh minh hoạ, chụp tại một cửa hàng sữa ở Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Cùng đợt tăng này, sản phẩm sữa Ensure Gold của Abbott cũng tăng thêm khoảng 8% như hộp 900g tăng từ 430.000 đồng/hộp lên 471.000 đồng/hộp. Nhãn hiệu Pediasure của Abbott ngày 10-9 sẽ có thông báo giá mới...

Trước đó, vào tháng 7 nhiều nhãn hiệu sữa bột của các hãng đã điều chỉnh tăng giá bán như Dumex tăng thêm 10% với 17 loại sản phẩm, sữa XO điều chỉnh tăng 2,5%, sữa nước và sữa đặc Cô gái Hà Lan tăng 7%. Đầu tháng 8, Abbott đã có đợt điều chỉnh giá tăng ở mức 7% đối với 3 nhãn sữa gồm Similac Eye-Q Plus, Similac Gain Eye-Q Plus và Gain Plus Eye-Q Plus.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong tháng 8, lượng ngoại tệ chi để nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa tăng mạnh, lên tới 80 triệu USD; trong khi trong tháng 7, giá trị nhập khẩu mặt hàng này chỉ 62 triệu USD. Tính chung trong 8 tháng, số ngoại tệ cho nhập khẩu sữa đã lên tới 500 triệu USD.

Lý do tăng giá được các hãng giải thích là ảnh hưởng giá nguyên liệu sữa thế giới, tỉ giá USD/VND tăng lên. "Bắt mạch" về hiện tượng trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đó chỉ là những chiêu thức quen thuộc để doanh nghiệp "lách luật" tăng giá. Một số dòng sản phẩm còn "hợp thức hoá" việc tăng giá khi thay đổi mẫu mã và sản phẩm trước thời điểm Thông tư số 112 của Bộ Tài chính có hiệu lực vào ngày 1 - 10 tới.

Làm rõ việc “làm giá”

Thông tư 112 nêu rõ mặt hàng sữa phải thực hiện việc đăng ký giá (trước khi bán ra thị trường lần đầu và trước khi điều chỉnh giá bán) là sữa pha chế theo công thức dạng bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Trước đó, do Thông tư 104 quy định thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục, giá bán lẻ sữa tăng từ 20% trở lên mới bị kiểm soát đã vô tình giúp các doanh nghiệp "lách luật" bằng cách điều chỉnh mỗi đợt chỉ tăng từ 5-15%, gây thiệt hại tới quyền lợi người tiêu dùng, còn các cơ quan chức năng bất lực trong kiểm soát giá.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc tỉ giá USD/VND tăng lên cùng lắm cũng chỉ làm giá bán tăng thêm khoảng 2% nên viện cớ vào lý do đó để tăng giá tới 10% là không thuyết phục. Cần phải điều tra làm rõ xem có tình trạng thông đồng "làm giá" hay không để tránh tình trạng "lách luật" tăng giá làm cho lạm phát tăng cao.

"Ở nhiều nước trên thế giới, giá được quản lý bằng Luật Cạnh tranh là chính. Các điều tra viên trong lĩnh vực này hoạt động như điều tra hình sự. Việc quản lý giá được thực hiện theo pháp lệnh giá như ở nước ta hiện nay còn mang tính hành chính, chỉ có thể hạn chế chứ chưa đủ tính răn đe" - ông Lê Đăng Doanh nói.

Cùng chung nhận định trên, ông Đỗ Gia Phan - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhất mạnh, hiện quy định tại Thông tư 112 của Bộ Tài chính chỉ quản lý giá sữa của trẻ dưới 6 tuổi, trên thực tế có rất nhiều loại sữa cho người già, người béo, người gầy, ngựời bệnh tật, phụ nữ mang thai... cũng cần quản lý nhưng lại chưa có quy định cụ thể.