4 cơ sở chế biến sứa gây ô nhiễm này bị lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh bắt quả tang đang xả thải tại khu vực Vụng Cống Lá, đảo Đầu Bê (còn gọi là vụng Cống Tàu) nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Một cơ sở giết mổ sứa xả nước thải gây ô nhiễm vịnh Hạ Long bị phát hiện. |
Mặc dù còn 1 khoảng khá xa mới áp sát được các cơ sở chế biến sứa nổi trên biển, mùi tanh thối đã bốc lên nồng nặc. Cơ sở chế biến sứa đầu tiên được lắp bằng 2 chiếc sà lan là của ông Dương Thanh Hoài. Tại đây có gần 30 công nhân đang dùng dao rạch mổ sứa. Toàn bộ lượng nước rửa thải đều chảy dồn về thân sà lan với nhiều vũng nước đen ngòm, sủi bọt rồi chảy thẳng xuống vịnh Hạ Long.
Hai chiếc sà lan được ghép lại làm mặt bằng chế biến này được ông Hoài thuê lại của Công ty TNHH Xây dựng Thăng Long. 3 cơ sở chế biến sứa khác được lực lượng chức năng phát hiện là của ông Nguyễn Văn Sâm, Vũ Văn Lương và Ngô Văn Kiên (có 2 địa điểm chế biến sứa).
Theo lời khai của một nhân viên quản lý thì sứa tươi sau công đoạn chế biến chỉ thu được 20% sứa thành phẩm, số còn lại được loại ra và đổ thẳng xuống biển. Một nhân viên khác cho biết, những ngày thu mua được quá nhiều sứa thì quá trình chế biển là chỉ bấu chân tay sứa, còn lại vứt hết xuống biển.
Theo thống kê, 4 cơ sở trên sử dụng khoảng 1.000m2 trên mặt vịnh Hạ Long. Để chế biến khoảng 30 tấn sứa tươi mua trực tiếp từ ngư dân trên vịnh Hạ Long các cơ sở này phải thu hút đến hơn 100 lao động. Hàng tấn nước thải từ việc giết mổ tương ứng được xả trực tiếp xuống vịnh Hạ Long mỗi ngày. Hiện tượng xả thải kéo dài trong nhiều tháng qua khiến 1 vùng biển Hạ Long bị ô nhiễm nặng nề.
Theo quy định, tất cả các hoạt động sản xuất chế biến hải sản trong khu vực này phải lập đề án đánh giá tác động môi trường, tuy nhiên tất cả các cơ sở trên đều không có bất cứ một thứ giấy tờ gì.
Hoàng Anh Tuấn - N.K