Trước khi tổ chức lễ vía Mụ Thố, mỗi gia đình thường nhờ ông mo chọn ngày lành tháng tốt để làm vía. Ngày lành tháng tốt đến, người con dâu cả trong gia đình đội nón, chống gậy đi xin gạo, xin vải của các nhà xung quanh, biểu trưng cho sự đùm bọc, thương yêu nhau của xóm giềng đối với người già.
Số gia đình người con dâu vào xin gạo tương ứng với ngày hôm đó là ngày bao nhiêu. Nếu là ngày mùng 3, cô đi xin gạo 3 nhà, ngày mùng 5 vào 5 nhà... Cùng lúc đó, người con trai trưởng trong gia đình cũng đi vào rừng tìm cây si mọc ở nơi cao ráo đem về. Bởi, theo đồng bào Mường, cây si truyền sức sống mạnh mẽ cho những người cao tuổi để họ luôn có sức khoẻ, không gặp ốm đau bệnh tật, sống lâu trăm tuổi.
Khi những tia nắng cuối ngày khuất dần sau núi, gia đình tổ chức lễ vía Mụ Thố. Công việc bếp núc cỗ bàn hầu hết do đàn ông đảm nhận, phụ nữ chỉ lo tiệc chay trong buổi lễ... Cỗ cúng trong ngày lễ vía Mụ Thố thường được sắp 5 mâm. Mỗi mâm cỗ cúng có xôi, rượu, vải, tiền đặt lễ, đồ chay... Khi các mâm cỗ đã sắp đặt đầy đủ, thay mặt cho gia đình, thầy mo khăn áo chỉnh tề thắp hương rồi khấn: "Cầu mong giữ vía cho người già mạnh khoẻ trở lại, sống lâu cùng con cháu, họ hàng".
Trình bày lý do xong, thầy mo tiếp tục khấn để mời Mụ Thố về. Dâng đủ 10 "thông" cơm chay, 10 "thông" cơm rượu, con cháu ngồi dưới vái lạy mời các thần và Mụ Thố để thầy mo gieo quẻ âm dương. Khi công việc thuận lợi, bà mụ xuống chứng giám, thầy mo thay mặt bà mụ đội nón, tay cầm mảnh vải viết lên sổ trạng xin được thêm số, thêm phận cho người già đang đau ốm.
Viết sổ trạng xong, người nhà buộc một sợi dây vào cành si để tiến hành nghi lễ kéo si. Đây là nghi lễ quan trọng nhất trong buổi lễ này. Trước khi kéo, thầy Mo tiếp tục khấn: "Con cháu ở đâu hãy lại đây! Cầm dây kéo cây si dậy. Cho hồn người mạnh mẽ trở lại, để người sống lâu nghìn năm trăm tuổi...". Lúc này con cháu xúm vào cùng kéo, mỗi nhịp kéo mọi người lại đồng thanh " hò... hơ" cho đến khi cây si dựng vững chắc mới thôi.
Làm lễ xong, thầy Mo tuyên bố kéo si đã lành, xanh lá gốc, lá ngọn, con cháu hãy cùng mời ông bà uống rượu, ăn uống no say. Con cháu bê mâm cơm vía đến cho người già ăn gọi là ăn lấy vía...
Văn Trương