Dân Việt

Siết chặt quản lý thịt ngoại

16/06/2010 07:15 GMT+7
(NTNN) - Trong 5 tháng đầu năm nay, số lượng thịt ngoại nhập khẩu về nước ta tăng đột biến. Để hạn chế tình trạng này, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 29 về quản lý chặt chẽ thịt nhập khẩu, có hiệu lực từ 1-7-2010.
 img
Thịt lợn, bò trong nước hưởng lợi khi quy định siết chặt thịt ngoại có hiệu lực.

Sản phẩm nhập phải đạt tiêu chuẩn EU và Mỹ

Số liệu của Cục Chăn nuôi cho thấy, trong vòng 5 tháng qua, số lượng thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu về nước ta đã tăng tới 3 lần, riêng thịt lợn đạt trên 50.000 tấn. Ông Hoàng Kim Giao - Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết: “Các sản phẩm thịt lợn nhập về chủ yếu là đầu, tai, chân, đuôi... Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch tai xanh, nên từ đầu năm số lượng thịt lợn được nhập về càng tăng lên, phần lớn đây là các sản phẩm đông lạnh được bảo quản lâu dài”.

Trao đổi với NTNN về thực trạng này, ông Lê Bá Lịch chuyên gia chăn nuôi cho rằng: “Nếu không sớm có các biện pháp quản lý chặt chẽ, cụ thể bằng hàng rào kỹ thuật, ngành chăn nuôi trong nước sẽ bị bóp nghẹt, phần thiệt nhất sẽ thuộc về người chăn nuôi”.

Nhằm quản lý chặt hơn thịt nhập khẩu, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 29 về danh mục chỉ tiêu, mức giới hạn cho phép về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với một số sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật nhập khẩu, sản xuất lưu thông trong nước.

Ông Phùng Hữu Hào- Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Các quy định quản lý chất lượng, VSATTP mới sẽ nghiêm ngặt hơn theo nguyên tắc kiểm soát từ gốc và theo chuỗi (kể cả tại nước xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam)”.

Theo ông Hào, căn cứ để xây dựng các chỉ tiêu, mức giới hạn cho phép cũng như các quy trình, thủ tục kiểm tra là các bộ tiêu chuẩn của Codex (Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế) và sẽ tương đương với quy định của EU và Mỹ, là những nước có tiêu chuẩn và quy trình kiểm soát hàng hóa thực phẩm nhập khẩu khắt khe nhất thế giới hiện nay.

Cụ thể, cơ quan chức năng của nước xuất khẩu hàng vào Việt Nam sẽ phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền trong nước tên các cơ sở sản xuất kinh doanh đáp ứng được các điều kiện VSATTP mà chúng ta quy định và chỉ những đơn vị này mới được phép xuất hàng vào Việt Nam.

Cũng theo thông tư này, các lô hàng nhập khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận VSATTP do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp. Tất cả các lô hàng nhập khẩu vào Việt Nam phải được đảm bảo sản xuất bởi cơ sở kinh doanh đã được các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận. Mặt khác, sản phẩm nhập khẩu, ngoài quy trình kiểm tra tại cửa khẩu, nơi tập kết sẽ còn được kiểm tra, giám sát quá trình lưu thông trên thị trường.

Có “siết” được thịt ngoại?

img Đối với các sản phẩm vi phạm, ngoài việc buộc tái xuất hoặc tiêu hủy, VN sẽ đình chỉ nhập khẩu đối với các doanh nghiệp vi phạm. img

Ông Phùng Hữu Hào

Ông Đoàn Trọng Lý- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần APROCIMEX cho rằng: “Lâu nay, sản phẩm thịt nhập khẩu chủ yếu là phụ phẩm, không ít lô đã quá thời hạn sử dụng nhưng vẫn được đưa vào Việt Nam quá dễ dàng, kiểm soát chưa chặt chẽ”.

Theo ông Lý, ngoài việc kiểm soát chặt chẽ nguồn nhập khẩu, nhà nước cũng cần hỗ trợ người chăn nuôi trong nước xây dựng hệ thống bảo quản lạnh để có lượng thịt dự trữ nhất định, khi thị trường thiếu thì chúng ta tung ra vừa để bình ổn thị trường, vừa giúp người chăn nuôi có lãi.

Một số doanh nghiệp nhập khẩu cũng như các chuyên gia lo ngại là hệ thống các phòng phân tích, kiểm nghiệm của chúng ta phần lớn chưa đạt được tiêu chuẩn quốc tế. Do vậy, khi kiểm tra, rất có thể nước xuất khẩu sẽ không công nhận kết quả của Việt Nam, mà buộc chúng ta phải lập hệ thống kiểm tra chéo giữa các phòng phân tích với nhau như cách làm giữa nước ta và Trung Quốc về kiểm soát rau, quả nhập khẩu. Như thế thủ tục sẽ rất phức tạp và chúng ta sẽ phải xây dựng nhiều phòng phân tích hiện đại hơn.

Theo ông Phùng Hữu Hào: “Khi hàng nhập khẩu tốt hơn, giá thấp hơn mà chất lượng đảm bảo thì khi đó, hàng sản xuất nội địa cũng phải tốt hơn mới cạnh tranh được. Do vậy, tuân thủ đầy đủ các quy định và hướng dẫn của các cơ quan chức năng trong suốt quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn được thế giới công nhận như VietGAP, GAHP, GMP… chính là cách để các doanh nghiệp và bà con nông dân biến sức ép thành lực đẩy, không để mất thị trường”.