Ông Trần Đình Vui- Trưởng phòng Quản lý dạy nghề Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hòa Bình cho biết, trên địa bàn tỉnh có một số trung tâm dạy nghề do tính toán chi phí khoá học quá sát với thực tế mà quên không tính đến những biến động về thị trường.
Nhiều mặt hàng là nguyên liệu để thực hành đồng loạt tăng giá khiến các trung tâm dạy nghề trở tay không kịp, phải bỏ tiền của trung tâm ra để bù vào những khoản trượt giá đó. "Khi rơi vào tình trạng như vậy nhiều trung tâm tự bỏ tiền túi ra để bù lỗ, nhưng cũng có trung tâm chọn giải pháp tăng thời gian học lý thuyết, bớt thời gian thực hành để bù lỗ. Điều này đồng nghĩa với việc chất lượng học nghề không được đảm bảo" - ông Vui chia sẻ.
Thực tế tại Hoà Bình, dù mức hỗ trợ cho nông dân tham gia học nghề là từ 2 - 3 triệu đồng nhưng các trung tâm dạy nghề đều kêu lỗ. Theo ông Vui, sau khi đã trừ các khoản tiền như thuê giáo viên, lớp học, tiền thuê xe vận chuyển các thiết bị dạy nghề xuống xã, tiền hao mòn máy móc... thì số tiền để mua nguyên liệu phục vụ cho các giờ thực hành là rất ít.
"Hiện nay Hòa Bình đã có 8/11 huyện hoàn thành quá trình khảo sát nhu cầu học nghề của nông dân và chuẩn bị tiến hành tuyển sinh đào tạo nghề theo Quyết định 1956. Các trung tâm hiện đang rất lo lắng nếu phải móc hầu bao ra bù lỗ cho những chi phí phát sinh" - ông Vui nói.
Công Trình - Huyền Thanh