Làm khó doanh nghiệp
Ông Nguyễn Hải Nam - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Vương (Khánh Hòa) cho biết công ty của ông chuyên chế biến cá ngừ đại dương xuất khẩu.
Đây lại là loại cá phải đánh bắt xa bờ mà miền Trung một năm có tới 5-7 tháng mưa bão liên miên, không thể ra khơi đánh cá được, nên 70% nguyên liệu chế biến từ 3 nhà máy của công ty ông là từ nguồn hàng nhập khẩu. Và việc Thông tư 25 siết nguyên liệu nhập khẩu sẽ làm cho hơn 2.000 công nhân của Công ty Hải Vương mất việc vì nguồn nguyên liệu dự trữ để chế biến của công ty đã hết.
Doanh nghiệp chế biến cá ngừ xuất khẩu đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ Thông tư 25. |
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hòa - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hải sản SG (SG FISCO) ở TP.HCM cho biết, công ty ông chuyên gia công hàng thủy sản xuất khẩu. "Một năm công ty xuất khẩu được 4.000-5.000 tấn thủy sản. Nguyên liệu 80% là từ nhập khẩu, nay Thông tư 25 gây cản trở cho việc nhập khẩu nguyên liệu thì chúng tôi chỉ còn nước đóng cửa nhà máy".
Ông Hòa nhấn mạnh rằng hiện nay, nguồn hàng gia công thủy sản đang có xu hướng đổ vào VN rất nhiều, thay vì Trung Quốc, Thái Lan... Thông tư 25 gây cản trở cho họ và làm mất cơ hội "bằng vàng" thu hút nguồn đầu tư từ nước ngoài.
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), hiện cả nước có trên 20 doanh nghiệp (DN) thủy sản chuyên nhập khẩu nguyên liệu để chế biến xuất khẩu và gia công. Ngoài ra, còn có hàng trăm DN khác nhập khẩu nguyên liệu thủy sản theo thời vụ khi nguồn nguyên liệu trong nước khan hiếm. Thông tư 25 đang làm cho 20 DN này có nguy cơ phải đóng cửa và hàng trăm DN khác khó khăn do tình hình thiếu nguyên liệu trầm trọng hiện nay.
Nhiều nước phản đối Thông tư 25
Theo Theo ông Trần Thanh Chiến - Phó Chủ tịch VASEP, Thông tư 25 được Bộ NN&PTNT ban hành với mục đích chính là nhằm hạn chế nhập siêu, thế nhưng, gần 99% các sản phẩm thủy sản nhập khẩu của các DN thuộc VASEP ở dạng tạm nhập tái xuất thì không ảnh hưởng gì đến quyết tâm hạn chế nhập siêu của Chính phủ.
Thông tư 25 quy định các nước nếu muốn xuất khẩu nguyên liệu thủy sản vào VN phải đăng ký danh sách qua cơ quan có thẩm quyền của nước đó và được Bộ NN&PTNT VN xét duyệt chấp thuận thì mới được nhập khẩu.
"Trong khi ở một cảng cá mà chúng tôi mua thì nguồn hàng đến từ nhiều tàu cá của nhiều nước khác nhau. Vậy cảng cá đó biết đăng ký với nước nào? Nếu có đăng ký, nước đó cũng không chấp thuận vì họ không quản lý số lượng cá bán ra đó" - ông Chiến phân tích.
"Và tại sao phải ban hành thông tư này trong khi các quy định kiểm tra hàng thủy sản nhập khẩu của Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (NAFIQAD) hiện rất chi tiết và chặt chẽ? Nhiều nước là bạn hàng nhập khẩu chính và lâu năm của ta, như Thái Lan, Nga… đã bày tỏ sự phản đối thông tư này với lý do họ không cần bán hàng vào VN khi mà nước họ không hề có một hạn chế nào đối với hàng thủy sản nhập tử VN, vậy tại sao VN lại cản trở?" - ông Chiến thông báo.
Quy định của Thông tư 25 còn nhằm để truy xuất nguồn gốc, giống như quy định IUU của EU sắp ban hành.
"Để có thể làm được điều này, EU cho các nước thời gian chuẩn bị đến 1 năm, trong khi VN cho có vài tháng. Điều đó cũng giải thích tại sao hiện nay chỉ mới có hơn 10 nước trong khoảng 80 nước xuất khẩu nguyên liệu thủy sản vào VN đăng ký và được NAFIQAD cho phép nhập khẩu vào" - ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP thông tin.
Ngọc Minh