Dân Việt

Máy giải mã suy nghĩ thành lời nói

09/09/2010 09:11 GMT+7
Dân Việt - Các nhà khoa học đã phát minh ra chiếc máy đọc suy nghĩ có thể chuyển đổi suy nghĩ thành lời nói. Chiếc máy này sẽ sớm được đưa vào sử dụng cho các bệnh nhân bị liệt cơ thể, không thể nói chuyện.

Lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã có thể dịch các tín hiệu phát ra từ não thành lời nói bằng cách sử dụng các bộ cảm biến gắn vào bề mặt của bộ não.

img
 

Bước đột phá trong chiếc máy đọc suy nghĩ là độ chính xác của nó đạt tới 90%. Trong tương lai gần, chiếc máy sẽ trở thành một phương tiện giao tiếp của các bệnh nhân bị liệt, không thể nói và xa hơn nó sẽ trở thành một chiếc máy có thể đọc được suy nghĩ của bất kỳ ai.

Giáo sư Bradley Greger, một nhà nghiên cứu về công nghệ sinh học tại Đại học Utah (Mỹ) trưởng nhóm nghiên cứu cho biết “Chúng tôi rất phấn khởi khi chiếc máy bắt đầu hoạt động. Đó là thời điểm khi mọi thứ diễn ra theo đúng tiên đoán của chúng tôi. Chúng tôi đã có thể giải mã lời nói chỉ bằng việc sử dụng tín hiệu từ não bộ với một thiết bị hứa hẹn sẽ được đưa vào sử dụng lâu dài cho các bệnh nhân bị liệt mà không thể nói chuyện. Chúng tôi hy vọng trong hai đến ba năm tới thiết bị đọc não này sẽ được đưa vào sử dụng cho các bệnh nhân bị liệt cơ thể, không thể nói được”.

Các nhà khoa học đã gắn hai nút để điều khiển 16 điện cực siêu nhỏ, đặt vào trung tâm xử lý ngôn ngữ của não bộ của một bệnh nhân động kinh, người đã bị lấy một phần não để điều trị bệnh.

Bằng việc sử dụng các điện cực, các nhà khoa học có thể ghi lại các tín hiệu từ não và mã hóa vào một máy tính khi cho bệnh nhân đọc lặp đi lặp lại 10 từ được cho là thường xuyên dùng nhất của các bệnh nhân liệt, đó là: có, không, nóng, lạnh, đói, khát, xin chào, tạm biệt, nhiều hơn và ít hơn.

Sau đó, bệnh nhân được đọc lại các từ trên một lần nữa để đối chiếu với các tín hiệu đã được mã hóa trong máy tính. Kết quả cho thấy, tỷ lệ chính xác đạt 76 - 90%.

Các nhà nghiên cứu cho biết đây mới chỉ là thử nghiệm ban đầu, phương pháp này cần thời gian để cải tiến cho máy được chính xác và hiệu quả hơn nữa, nhưng trong thời gian tới có thể ứng dụng để thử nghiệm lâm sàng trên các bệnh nhân bị liệt cơ thể do đột quỵ hoặc chấn thương mà không thể nói.

Hiện nay, những bệnh nhân không nói được thường giao tiếp với nhau bằng mắt hoặc ký hiệu bằng tay, hoặc chỉ vào các từ đã liệt kê sẵn để diễn đạt ý mình muốn nói. Nếu sử dụng máy đọc suy nghĩ, họ sẽ truyền đạt ý mình một cách đầy đủ và tự nhiên hơn.

Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Neural Engineering.

Theo Telegraph