Dân Việt

Đề nghị tăng đầu tư cho thuỷ lợi, chế biến...

06/06/2012 08:34 GMT+7
(Dân Việt) - Quy hoạch vùng sản xuất, nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, hình thành nông sản chủ lực, xây kho tạm trữ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao... là những đề xuất được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra.

Thiếu quy hoạch, sản xuất manh mún

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Trịnh Thế Khiết bày tỏ sự phấn khởi vì mức độ đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực tam nông ngày càng tăng; các công trình điện, đường, trường, trạm, thủy lợi đang làm thay đổi bộ mặt của nông thôn. Tuy nhiên, ĐB Khiết cho rằng, những cơ sở hạ tầng đó chưa “chuyển hóa” thành một nền nông nghiệp hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập đời sống cho nông dân.

img
Theo một số ĐBQH, nhiều chính sách cho tam nông vẫn chưa giúp người nông dân hưởng lợi.

Nguyên nhân chính theo ông Khiết do công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập. “Cung cách sản xuất nông nghiệp hiện nay còn manh mún. Một sản phầm nơi nào, tỉnh nào cũng có cho nên chưa hình thành được những sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, chi phối thị trường ” – ông Khiết nói.

ĐB Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) cho rằng, quy hoạch sản xuất nông nghiệp trước hết phải căn cứ vào thổ nhưỡng, vào các nông sản có thương hiệu của địa phương nhưng thực tế “quy hoạch sản xuất nông nghiệp của các tỉnh gần như giống nhau. Các tỉnh hoàn toàn có thể lấy của nhau được” – bà Thanh nói. Theo ĐB Thanh, quy hoạch chậm trễ dẫn đến đầu tư cho nông nghiệp manh mún, kém hiệu quả và không nâng cao được đời sống của nông dân.

Còn Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở đề nghị cần làm rõ hơn nguyên nhân và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc chậm triển khai quy hoạch sản xuất nông nghiệp. ĐB Vở đề nghị: “Chính phủ cần kịp thời hướng dẫn rà soát quy hoạch sản xuất từ trung ương đến địa phương. Việc quy hoạch phải được coi trọng đúng mức, đi trước một bước”.

Làm gì để có nền nông nghiệp quy mô lớn?

Phát biểu tại hội trường, nhiều ĐB “hiến kế” để sớm có một nền nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn. ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) và nhiều ĐB nữa đề nghị sửa đổi ngay Luật Đất đai theo hướng kéo dài thời gian sử dụng đất nông nghiệp. Thậm chí ĐB Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) để nông dân yên tâm sản xuất, việc sửa đổi Luật Đất đai cần phải tiến hành ngay trong kỳ họp tới của QH.

Mở rộng diện tích, dồn điền đổi thửa, phát triển theo mô hình cánh đồng mẫu lớn cũng được nhiều ĐB coi là yếu tố quyết định cho một nền nông nghiệp hàng hóa. ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, mô hình cánh đồng mẫu lớn bước đầu thành công tại Nam Bộ và một số tỉnh miền Bắc, Trung Bộ. Tuy nhiên, để phát triển mô hình này, ĐB Bé đề nghị cần sớm triển khai quyết liệt những hạng mục cơ sở hạ tầng kèm theo.

“Người nông dân đang mong chờ Chính phủ đầu tư thủy lợi, các trạm bơm để xây dựng cánh đồng mẫu lớn nhưng chưa thấy. Chính phủ đề ra kế hoạch xây dựng kho dự trữ lúa gạo hiện đại quy mô 4 triệu tấn nhưng sau 3 năm triển khai, 2 lần giãn tiến độ vẫn chưa xong. Vì thế, nông dân bị ép giá, Nhà nước không điều tiết được thị trường” – ĐB Bé nói.

Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi Phùng Đức Tiến (ĐBQH Hà Nam) đề nghị tăng cường đầu tư cho nghiên cứu các loại giống, chế biến sâu nông lâm thủy sản để tăng giá trị chuỗi sản phẩm nông sản. Các vấn đề khác như liên kết bốn nhà (Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân), phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi cho nông thôn, khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp… cũng được các ĐB đặt ra nhằm thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp nước nhà.

Qua thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, sự quan tâm của Nhà nước đến lĩnh vực tam nông, đặc biệt là phát triển nông nghiệp hàng hóa thể hiện qua số vốn đầu tư và hàng trăm chính sách được ban hành trong 5 năm qua. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều chính sách triển khai hiệu quả thì các ĐB cho rằng không ít chính sách chưa “trúng”, hoặc “trúng” nhưng khó thực hiện. Vì vậy, dẫn đến thực tế nông dân “ngậm ngùi” trước chính sách.

Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát: Đầu tư nông nghiệp dễ sinh lãi

Thời gian qua, Nhà nước đã tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Trong thời gian tới cần tiếp tục tăng đầu tư cho lĩnh vực này theo Nghị quyết 26, của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Nông nghiệp nước ta còn rất nhiều tiềm năng, dễ sinh lãi. Chẳng hạn, chỉ 10% diện tích nuôi tôm được đầu tư có thể cho thu nhập bằng 90% diện tích còn lại.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ: Tiếp tục tăng hỗ trợ cho nông thôn

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tăng phân cấp thu, chi cho địa phương, kể cả cấp huyện, cấp xã. Tiếp tục ưu đãi thuế đất, thuế doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xuất khẩu nông sản, ưu đãi cho phát triển giao thông nông thôn. Hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho hộ nông dân trồng lúa, bảo hiểm nông nghiệp. Chính phủ sẽ tạo cơ chế cho các địa phương ưu tiên vốn cho tam nông.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử: Cần chính sách riêng cho vùng dân tộc

Chính sách dân tộc miền núi của chúng ta tốt hơn nhiều nước khác, dù họ có điều kiện kinh tế tốt hơn. Tuy nhiên, mức độ nghèo đói, đào tạo nghề, dân trí ở vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay rất đang báo động. Đảng, Chính phủ cần đánh giá sâu sắc hơn vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đồng bào dân tộc. Hiện Ủy ban Dân tộc đang xây dựng một chương trình giống như Chương trình 135 trước đây trình Chính phủ xem xét. Chương trình 135 được chuyển vào trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hiện nay không bao hàm hết được nội dung của Chương trình 135 trước đây.