Có cơ chế để phát triển HTX khu vực nông thôn
Về dự thảo Luật Hợp tác xã (HTX) sửa đổi, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lào Cai Phạm Văn Cường cho biết, số lượng HTX nông nghiệp chiếm đại đa số trong các HTX hiện nay, do vậy việc sửa đổi luật có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiều 6.6. |
Đồng tình quan điểm này, ĐB Đinh Huy Chiến (Thái Nguyên) - Chủ nhiệm HTX Sông Công - cho rằng, so với các công ty cổ phần, mô hình HTX phù hợp với khu vực nông thôn vì vẫn đảm bảo được quyền làm chủ đất đai của người nông dân.
Tuy nhiên, trước thực trạng các doanh nghiệp (DN) tư nhân từ thành phố về nông thôn như hiện nay, ông Chiến đề nghị phải có cơ chế chính sách để phát triển HTX ở khu vực nông thôn, đặc biệt là 2 lĩnh vực có nhiều tiềm năng là thủy sản và trồng rừng.
ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, cách phân chia lợi nhuận là một điểm khác biệt của HTX so với DN. ĐB Đồng còn cho rằng, Nhà nước xem liên minh HTX là hội đặc thù thì cần phải có các cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù hỗ trợ cho tổ chức này.
ĐB này cũng chỉ ra, Điều 49 của dự thảo luật quy định khá cứng nhắc khi nêu: “Thu nhập phát sinh từ giao dịch giữa HTX, liên hiệp HTX với thành viên được phân phối cho thành viên trên 50% theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX, liên hiệp HTX; phần còn lại được chia theo vốn góp; tỷ lệ và hình thức phân phối cụ thể do điều lệ HTX, liên hiệp HTX quy định”.
Theo ĐB Đồng, cần tùy thuộc vào từng HTX cụ thể mới có thể đưa ra mức quy định phù hợp.
Đang phải trả giá vì thủy điện
Thảo luận về Luật Điện lực (sửa đổi), ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) cho rằng, quy hoạch hệ thống thủy điện hay nhiệt điện cần tính đến việc kết hợp hài hòa, không ảnh hưởng tới dân.
“Sông Thu Bồn (Quảng Nam) có mấy chục thủy điện, khi người dân sản xuất lại kêu thiếu nước. Nước là tài nguyên quốc gia mà lợi ích chỉ cho một số nhóm là không ổn. Nhà máy Thủy điện Sơn La phát, mấy chục nghìn dân phải sơ tán, mấy chục nghìn hécta đất ven sông bị mất, làm sao chấp nhận?” – ông Khiết bày tỏ.
Đồng tình, ĐB Nguyễn Minh Quang cũng cho rằng Việt Nam đang phải trả giá cho cách làm thủy điện “xã hội hóa” tùy tiện như thời gian qua. “Đã có thời kỳ nhà nhà làm ximăng, phố phố mở ngân hàng, đều đã trả giá. Giờ đang là thời kỳ nhà nhà làm thủy điện. Chúng ta đang trả giá bằng lũ lụt, bằng hạn hán và vài chục năm nữa vẫn phải trả giá. Nước ta là nước nông nghiệp, quy hoạch điện phải đảm bảo đời sống sản xuất của người dân” – ĐB Quang nêu quan điểm.
ĐB Quang cho rằng, EVN cần phải thể hiện trách nhiệm về tầm nhìn đầu tư. “Ở Hà Lan điện gió phát triển, bán khắp nơi. Ta có bờ biển dài sao không phát triển phong điện, điện thủy triều. Việc này vừa phù hợp hơn về giá thành, vừa bảo vệ môi trường, lại không ảnh hưởng nông nghiệp” – ông Quang nói.
Đề nghị chấm dứt độc quyền về điện
Theo ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), chính sách giá điện theo cơ chế thi trường có sự điều tiết của Nhà nước cần phải định nghĩa hết sức rõ ràng. Cho đến giờ, EVN vẫn độc quyền, vẫn là chủ các cơ sở hạ tầng.
“Vẫn có một số nhà đầu tư mua và bán lẻ lại điện, nhưng hệ thống truyền dẫn vẫn nằm trong tay EVN, do đó chưa xây dựng được những đối tác cạnh tranh bình đẳng. Chỉ theo giá thị trường thì mới mang quyền lợi tối đa cho người tiêu dùng” – bà Hường nói.
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nói, người dân quá bức xúc về sự bất bình đẳng trong sử dụng điện. “Tiền thì thu đủ nhưng điện muốn cắt lúc nào thì cắt. Do độc quyền nên họ tự cho mình quyền như thế, không ai được thỏa thuận gì. Do đó cần xóa bỏ cơ chế này” - ĐB An thẳng thắn.
Bảo An - Hữu Danh