Bà Otunbayeva đưa ra đánh giá trên sau chuyến thăm khu vực miền Nam đầy bất ổn ngày 18-6. Trước đó, Bộ Y tế Kyrgyzstan cho biết, con số thiệt mạng là 191 người.
Theo bà Otunbayeva, số người chết tăng gấp 10 lần so với con số chính thức là 191 vì có nhiều người chết ở nông thôn và theo phong tục phải mai táng thi hài trước khi mặt trời lặn.
Cùng ngày, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Robert Blake đã miêu tả tình hình ở miền Nam Kyrgyzstan là một cuộc khủng hoảng nhân đạo sau khi ông đi thăm các trại tị nạn ở nước láng giềng Uzbekistan.
Hàng nghìn người Uzbeks bị kẹt lại tại biên giới Kyrgyzstan - Uzbekistan |
Trả lời báo giới, ông Blake nói: "Tình hình bạo lực hiện nay ở miền Nam Kyrgyzstan là rất đáng lo ngại. Chúng tôi hối thúc chính phủ lâm thời Kyrgyzstan thực hiện ngay các biện pháp nhằm chấm dứt bạo lực". Ngoài ra, ông Blake cũng kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế.
Thảm họa nhân đạo ngày càng hiện rõ tại miền Nam khi người Kyrgyzstan gốc Uzbekistan là những nạn nhân bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đã có ít nhất 400.000 người Kyrgyzstan đã phải lánh nạn sang các nước láng giềng trước tình trạng bạo lực ngày càng tăng cao.
Trả lời AP, những người Uzbeks cho biết họ muốn tị nạn sang nước láng giềng và không muốn trở về quê nhà. Một phụ nữ nói: "Tôi chứng kiến tận mắt một nhóm thanh niên người Kyrgyz đánh đập, giết chết người Uzbeks, trong đó có những trẻ em chỉ mới 12 tuổi. Họ làm nhục phụ nữ và trẻ em gái ngay trước mặt chúng tôi".
Ít nhất 1 triệu người cần trợ giúp nhân đạo |
Hiện LHQ đang tiếp tục vận chuyển tới Kyrgyzstan nhiều tấn hàng viện trợ nhân đạo, gồm lương thực, nước uống, thuốc men và lều bạt. Một phát ngôn viên của LHQ cho biết, sẽ có ít nhất 1 triệu người Kyrgyzstan cần tới sự trợ giúp nhân đạo.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn tờ "Nhật báo Phố Wall" của Mỹ ngày 18-6, Tổng thống Nga D.Medvedev cho biết vẫn chưa cần thiết phải gửi quân đội tới Kyrgyzstan để ổn định tình hình, chính các lực lượng chính trị ở nước này phải tự giải quyết, bởi đây là công việc nội bộ của Bishkek.
Tổng thống Medvedev nhấn mạnh, tình hình hiện nay ở Kyrgyzstan hết sức căng thẳng nhưng không phải không có lối thoát. Lãnh đạo nước này cần hành động sáng suốt, khéo léo, thực lòng đối thoại với đại diện các cộng đồng, các nhóm, các tổ chức trong xã hội, song trong một số trường hợp cũng cần sử dụng vũ lực.
Cùng ngày, Nga đã gửi 2 máy bay chở 120 tấn hàng cứu trợ gồm thực phẩm và chăn màn lều bạt tới Uzbekistan để trợ giúp những người tị nạn Kyrgyzstan.
Gia Khánh (tổng hợp)