Ông là Nguyễn Văn Minh (SN 1950), ngụ thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, Long An. Tham gia cách mạng năm 1965, năm 20 tuổi, ông đã trở thành đại đội trưởng đặc công Kiến Tường lừng danh, chỉ huy trận đánh nổi tiếng Tuyên Bình năm 1971, kéo dài suốt 5 ngày trên sống Vàm Cỏ Tây, đánh tan hạm đội gồm 60 tàu chiến của đối phương, 200 lính chết và bị thương.
Với trận đánh này và 85 trận khác, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau ngày đất nước thống nhất, dù là thương binh nặng, với 9 lần trọng thương, ông vẫn tiếp tục tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam. Năm 1991, khi đang là Huyện đội trưởng Vĩnh Hưng, Trung tá Minh về nghỉ hưu sớm vì sức khỏe kém.
Không nhà cửa, ông được nhà nước cấp 5 triệu đồng cất nhà tình nghĩa. Cất nhà thì cả gia đình cũng không sống được bằng lương hưu, ông Minh dùng số tiền 5 triệu này để "đánh bạc" với đất hoang Đồng Tháp Mười, kiếm tiền nuôi 6 đứa con nhỏ ăn học.
Thời điểm này, vùng Đồng Tháp Mười vẫn còn mênh mông đất hoang bị nhiễm phèn nặng. Ông Minh lặng lẽ khai khẩn, "thuần hoá"17ha ruộng hoang. Ban đầu chỉ đạt năng suất một vài tấn/ ha, nhưng với lòng kiên trì và sức chịu đựng của người lính, cộng với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, năng suất lúa của ông cứ tăng dần lên 4 tấn, 5 tấn, hiện nay là 8 - 9 tấn/ha/vụ.
Chỉ sau chưa đầy 10 năm làm ruộng, ông Minh đã xây được căn nhà khang trang với số tiền đầu tư lên đến 100 cây vàng. Muốn "khám phá" khả năng của đất, năm 2004 ông và một vài người bạn đi tiên phong đến với một loại cây trồng "ngọt" và "đỏ" hơn lúa - đó là dưa hấu và rất thành công khi thương lái tới mua nườm nượp.
Sau đó, cây dưa hấu lan ra khắp vùng Đồng Tháp Mười nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật của ông. Ông Minh mua hẳn máy cày, máy suốt, máy bơm nước để sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn.
Xe cộ không thiếu thứ gì nhưng người dân thị trấn Vĩnh Hưng vẫn thương xuyên thấy ông cuốc bộ. Ông Minh cho biết, cách đây hơn chục năm, trên đường đi họp ở tỉnh (ông nằm trong ban chấp hành Hội Cựu chiến binh tỉnh Long An), ông bị tai nạn giao thông vỡ xương bánh chè, từ đó ông thôi không dám đi xe nữa.
Gặp ông ở hành lang hội nghị người có công toàn quốc tổ chức tại Bến Tre, ông cười buồn buồn: "Người quen, bạn bè chiến đấu ngày xưa mỗi lần họp mặt là mỗi lần vắng bớt. Thời gian của tôi cũng không còn nhiều, mỗi ngày tháng đều rất quý nên tôi luôn hết sức tận dụng nó".
Trương Châu