Dân Việt

Đăk Lăk: Bán nhà trốn ô nhiễm

18/09/2012 06:50 GMT+7
(Dân Việt) - Hàng trăm người dân ở phường Thành Nhất, TP.Buôn Ma Thuột đang bị “tra tấn” bởi hồ xử lý nước thải sinh hoạt của thành phố. Nhiều người dân đã phải bán nhà, đi nơi khác để trốn chạy ô nhiễm.

Sống trong mùi cống rãnh

Người dân các khối 6, 7, 11, buôn Ky thuộc phường Thành Nhất đang sống yên ổn thì một hồ xử lý nước thải sinh hoạt của cả TP.Buôn Ma Thuột được xây dựng tại đây vào năm 2007. Không chỉ nước sinh hoạt của hơn 5.000 hộ dân trong thành phố theo cống rãnh chảy xuống, hồ này còn là nơi đón nhận những chiếc xe bồn mang dòng chữ “hút hầm cầu” chạy về đổ thải.

img
Hàng chục hộ dân ở khối 6, phường Thành Nhất đã bán nhà để chạy ô nhiễm.

Ông Phạm Xuân Nghĩa - tổ 54, khối 6 - cho biết: “Chúng tôi phải đóng cửa cả ngày lẫn đêm, nhưng mùi cống rãnh, mùi phân người cứ xộc vào nhà, thối không chịu nổi. Chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên, người nào cũng mắc thói quen khạc nhổ...”.

Không chịu nổi mùi hôi thối, hàng chục hộ dân ở tổ 54, khối 6 đã phải bán nhà để đi nơi khác sinh sống, có chỗ 4 - 5 căn nhà liền nhau cùng treo biển bán. Chị Đặng Thị Dung cho biết: “Khi xây dựng hồ xử lý nước thải, nhà tôi bị giải tỏa, di dời sang tổ 54 cách nhà máy một con đường. Không chịu nổi mùi hôi thối, tôi phải bán nhà để chạy vào tổ 57, khối 7 này. Tưởng trong này cây cối nhiều sẽ ngăn được mùi hôi, ai ngờ cũng không hơn ngoài đó, lại không có nước sinh hoạt”. Theo người dân, chị Dung may mắn bán được nhà, vì giờ không thấy ai đến khu vực này hỏi mua nhà, mua đất.

Công nghệ... gây ô nhiễm

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hồ xử lý nước thải TP.Buôn Ma Thuột do Công ty TNHH một thành viên Quản lý đô thị và Môi trường Đăk Lăk quản lý, vận hành. Đây là hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ hồ sinh học tự nhiên của nước ngoài, sử dụng màng cứng hữu cơ tự hình thành trên mặt hồ để ngăn mùi hôi phát tán. Tuy nhiên, thực tế màng hữu cơ này luôn bị gió, mưa xé toạc, ít khi phủ kín được mặt hồ nên gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

“Khí bốc lên từ hồ nước thải của TP.Buôn Ma Thuột có cả lưu huỳnh, CO... giống như khí từ hầm biogas. Ngửi mùi này lâu ngày sẽ mắc các bệnh viêm mũi dị ứng, viêm phế quản, người bị hen suyễn thì bệnh sẽ nặng hơn”.

Ông Hoàng Mạnh Dũng - Phó Trưởng phòng Kế hoạch, vật tư, kỹ thuật - Công ty TNHH một thành viên Quản lý đô thị và Môi trường Đăk Lăk cho biết: “Để giảm thiểu ô nhiễm, công ty đã hợp đồng với Trường Đại học Tây Nguyên xử lý mùi hôi hằng tuần bằng chế phẩm men vi sinh. Khi thời tiết thay đổi đột ngột, ô nhiễm nặng hơn thì mua thêm một số chất khử mùi”.

Về lâu dài, UBND tỉnh Đăk Lăk đã có chủ trương quy hoạch vùng đệm để cách ly nhà máy xử lý nước thải với khu dân cư từ tháng 3.2011. Theo đó, vùng đệm thứ nhất sẽ giải tỏa trắng để trồng cây xanh, vùng đệm thứ hai sẽ hạn chế mật độ dân cư... Tuy nhiên, đến thời điểm này đơn vị tư vấn chưa lập xong quy hoạch nên chưa biết khi nào thực hiện dự án.