Đem nông dân “bỏ chợ”
Năm 2004, Công ty Nghiệp Lâm được UBND tỉnh Đăk Lăk cấp hơn 200ha đất tại 3 xã: Khuê Ngọc Điền, Cư Kty, Hòa Lễ (huyện Krông Bông) để thực hiện liên kết trồng rừng sản xuất. Đây là diện tích được thu hồi từ đất sản xuất có độ dốc trên 15% của người dân tại các địa phương này.
Rừng đã đến chu kỳ khai thác nhưng người dân không được bán. |
Theo thỏa thuận, Công ty Nghiệp Lâm có trách nhiệm trả tiền khai hoang cho các hộ có đất với mức từ 4 – 6 triệu đồng/ha cùng các khoản đầu tư về giống, công chăm sóc, phòng chống cháy… trong chu kỳ từ 5 - 7 năm, với suất đầu tư bình quân gần 12 triệu đồng/ha.
Sau khi khai thác, sản phẩm được chia theo tỷ lệ: Người dân hưởng 60%, doanh nghiệp 40%. Hợp đồng ký kết xong, Công ty Nghiệp Lâm đem cây giống về cho người dân cùng khoản tiền ít ỏi chừng 500.000 đồng/ha rồi… biến mất. Xót công, xót của đã bỏ ra, những hộ lỡ ký hợp đồng đành tự xoay xở, vay mượn tiền để tiếp tục đầu tư.
Xã Khuê Ngọc Điền có tới 118ha rừng trồng liên kết với Công ty Nghiệp Lâm. Tiếp xúc với chúng tôi, từ lãnh đạo xã đến những người dân nhận liên kết trồng rừng đều rất bức xúc trước kiểu làm ăn vô trách nhiệm của doanh nghiệp này.
Ông Nguyễn Chuyển, thôn 4, xã Khuê Ngọc Điền ngao ngán: “Nhà tôi ký với Nghiệp Lâm trồng hơn 4ha rừng, ngoài cây giống, Nghiệp Lâm chỉ đầu tư cho gia đình tôi 2,2 triệu đồng, rồi mất tích luôn. Gia đình phải vay mượn khắp nơi để tiếp tục duy trì diện tích rừng đã trồng. Nay đã đến chu kỳ khai thác mà gia đình không dám chặt bán”.
Trở lại để... gây khó
Không riêng gì hộ ông Chuyển, hàng trăm hộ dân nhận liên kết trồng rừng với Nghiệp Lâm cũng đang lâm vào cảnh không có đất sản xuất, lại gánh thêm khoản nợ vay đầu tư chăm sóc rừng. Rừng không bán được, đất canh tác không có, rất nhiều hộ đã phải làm thuê đủ việc để sống qua ngày, cuộc sống vốn đã nghèo khó, nay lại càng thêm khó.
Trước tình cảnh đó, nhiều hộ đã tự ý rao bán rừng trồng với giá 20 – 25 triệu đồng/ha, trong khi giá thị trường là trên 40 triệu đồng/ha. Đến lúc này, Công ty Nghiệp Lâm lại xuất hiện, có công văn gửi chính quyền địa phương khẳng định rừng đó là của họ và yêu cầu cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn.
Làm việc với NTNN, ông Nguyễn Tấn Thịnh - Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của các hộ dân nhận trồng rừng liên kết, UBND huyện đã nhiều lần cử cán bộ đến làm việc với Nghiệp Lâm nhưng bất thành, vì địa chỉ văn phòng của doanh nghiệp này thay đổi liên tục hoặc chỉ là “địa chỉ ma”.
Số điện thoại của ông Nguyễn Trọng Lộc - Giám đốc Công ty cũng không thể liên lạc được. Hiện UBND huyện đang chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh cụ thể sự việc để đề xuất hướng giải quyết và hỗ trợ nông dân về thủ tục pháp lý nếu sự việc phải giải quyết theo hướng “đáo tụng đình”.
Không chỉ đem nông dân “bỏ chợ”, Công ty Nghiệp Lâm còn có dấu hiệu sử dụng dự án liên kết trồng rừng để lừa đảo. Bà Trần Thị Thanh Hồng ở 73 Trần Hưng Đạo, TP. Buôn Ma Thuột gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Trọng Lộc - Giám đốc Công ty Nghiệp Lâm đã kê khống diện tích dự án từ 200ha lên hơn 900ha với tổng mức đầu tư hơn 30 tỷ đồng.
Vì cả tin, bà Hồng đã đầu tư 800 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, ông Lộc cùng Công ty Nghiệp Lâm “lặn” một hơi mất tích. Không riêng gì bà Hồng, với cách kêu gọi góp vốn như trên, nhiều tổ chức, cá nhân khác cũng trở thành nạn nhân của Nghiệp Lâm.
Quang Tạo