Ông Lê Ngọc Khuê ở thôn Hiệp Cát bức xúc: Trước năm 2003, người dân xã Tam Hiệp khốn khổ vì Nhà máy Đường Tam Hiệp xả chất thải ra môi trường. Sau đấy nhà máy đường giải thể nhưng mùi xú uế vẫn bốc lên. Mỗi khi trời mưa lại có chất thải độc hại tràn ra đường làng.
Cảnh hoang phế của công ty. |
Người già và trẻ con lại đổ bệnh… Sau nhiều lần "mật phục" dân làng phát hiện có một doanh nghiệp thuê lại nhà xưởng của nhà máy đường sau đó họ chở thứ phế thải là chất lỏng từ nơi khác về đổ vào các bể chứa, gây ra mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường.
Đặt chân vào địa phận xã Tam Hiệp, đập vào mắt chúng tôi là toà tháp của nhà máy đường hoen gỉ, cùng la liệt những phuy, téc, bể, ống… Hai bể chứa với dung tích khoảng 800m3 trơ đáy. Trong bể còn sót lại chừng một mét chất màu đen sệt bốc mùi hôi thối… Tiếp chúng tôi, ông Dương Ngọc Sơn - Giám đốc Công ty CP Cồn - Giấy - Rượu Hà Tây cho biết: Năm 2004, Nhà máy Đường Tam Hiệp được cổ phần hoá và đổi tên thành Công ty CP Cồn - Giấy - Rượu Hà Tây.
Tuy nhiên kể từ ngày cổ phần hoá đến nay, gần như công ty không có hoạt động gì. Năm 2007, công ty cho Công ty TNHH Nông nghiệp hữu cơ (địa chỉ F 20/210 Hoàng Quốc Việt Hà Nội) thuê lại một phần nhà xưởng. Khi ký kết hợp đồng, công ty không hề biết đối tác thuê xưởng để làm gì.
Mãi đến năm 2008, khi doanh nghiệp kia sản xuất gây ô nhiễm môi trường bị các cơ cơ quan chức năng xử phạt, ông Sơn mới biết là họ đưa phế thải của Công ty Bột ngọt Miwon về để sản xuất phân bón… Chính chất phế thải là thủ phạm gây ra ô nhiễm môi trường cho xã Tam Hiệp.
Trần Thụ