Quặn lòng vì đàn con dại
Từ xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo ra phố làm công nhân bốc vác ở Nhà máy Xi măng Hải Phòng, bà Nở nên duyên vợ chồng với chàng trai cùng nghề. Hai vợ chồng gắn bó, cùng sẻ chia mảnh đời nghèo túng và lần lượt sinh 10 đứa con khoẻ mạnh. Nhưng cứ đến tuổi dậy thì, những đứa con của bà lại ốm đau triền miên rồi khờ khờ, dại dại. Dù chữa trị đủ đường nhưng bệnh tật của các con chẳng hề thuyên giảm.
Bà Nở bần thần nghĩ về các con. |
Ngồi trầm lặng, giọng bà lạc đi: "Ông ấy mất cách đây 5 năm, hồi còn sống ông đi sửa xe đạp dạo ở vườn hoa, tôi dậy sớm từ 3 giờ đêm đi lấy rau tận chợ Lũng rồi vào các chợ trong thành phố bán. Hôm nào đắt thì được 20 nghìn, hôm nào ế thì cả nhà ăn rau thay cơm. Đùng một cái, ông ấy bị liệt, sống thực vật một năm trời rồi ra đi.
Kiếm tiền rau cháo nuôi các con không đủ nên khi sống ông ấy cũng chẳng dám chụp lấy một tấm hình, giờ chết, tấm ảnh thờ cũng không có…”.
Hàng xóm láng giềng ai cũng thương hoàn cảnh của bà, lúc người này cho bát gạo, lúc cho vài chục, một trăm, lúc được ông giáo tốt bụng cùng khu phố lát cho nền đá hoa sạch sẽ để những đứa con tội nghiệp của bà có chỗ nghỉ ngơi...
Ăn xin nuôi đàn con dại
Ông Vũ Đình Khang - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng.
Chúng tôi đến thăm ngôi nhà tềnh toành của mẹ con bà ở ngách 9/239 phố Đà Nẵng, quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng vào đúng những ngày mưa ngâu tầm tã. Cái cửa gỗ mục nát thấm căng nước mưa đến nỗi người ta cảm tưởng có thể bẻ ra được từng mảnh nhỏ như bẻ chiếc bánh mềm. Căn nhà trống rỗng chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi người hàng xóm cho cũng đã nhập nhằng chẳng lên hình.
Từ ngày ông nhà ra đi, gánh nặng trên vai bà càng trĩu nặng, đến quỵ bệnh không thể chạy hàng rau được nữa. Bà đành lang thang đầu đường góc chợ xin chút lòng thương của mọi người nuôi đàn con khờ dại. Quãng đường đi quá nhiều nhưng tiền xin được chẳng được bao nhiêu, có buổi còn bị kẻ xấu lấy hết.
Giờ đây, lúc nào bà cũng nơm nớp sợ mình chết đi rồi thì đàn con dại khờ sẽ bơ vơ. Bà thì thào: "3 đứa con gái đầu, chúng bị lừa sang Trung Quốc khi mới lớn. Đã gần 20 chục năm rồi, không biết chúng sống chết ra sao”.
Hồi đầu năm nay, có người ở Kiến An lấy chồng Trung Quốc về bảo sang đó có gặp con Cúc, giờ nó điên nặng lắm, bị chồng nhốt trong cũi. Người ta bảo sang đón nó về nhưng bà cũng chỉ biết gạt nước mắt bất lực.
Thằng Hậu, năm kia nổi cơn điên đốt cháy hết phên cót trần nhà, giờ không biết lang thang ở đâu trong miền Nam, còn một đứa chị nó lấy chồng tận Bắc Giang, chẳng có điều kiện mà về quê. 4 đứa được đưa vào trại tâm thần thì một đứa đã theo bố nó ra đi. Con út lại đang bị bệnh gan nữa chỉ biết nằm đây…”.
Nỗi lòng của bà làm chúng tôi day dứt suốt quãng đường về. Chỉ ao ước sớm có được những tấm lòng chia sẻ khó khăn với bà Nở.
Bùi Hương