Nghệ nhân cuối cùng
Chèo Chải Hê là một nét văn hóa độc đáo thuộc vùng quê Tam Sơn và Lũng Giang (Từ Sơn, Bắc Ninh). Một chiều cuối tháng 3, chúng tôi đến nhà nghệ nhân Nguyễn Năng Địch - người cuối cùng biết và am tường về làn điệu chèo độc đáo này để hỏi chuyện. Ông Địch quay đầu nhìn vô định ra khoảng sân, nét mặt thoáng buồn và đôi mắt rơm rớm nước mắt.
Ông lặng im tới một phút sau mới chậm rãi nói: “Kể chuyện về chèo Chải Hê thì có nhiều cái buồn lắm, tới mức tôi không muốn kể, mà nếu không kể ra bây giờ, thì sợ hổ thẹn với con cháu, với lịch sử quê hương”.
Nghệ nhân Nguyễn Năng Địch biểu diễn một tích trò của chèo Chải Hê. |
Trong nỗi niềm đau đáu ấy, ông đưa chúng tôi trở lại với ký ức xa xăm, về với thời mà chèo Chải Hê vẫn được người dân nơi đây coi như món ăn tinh thần quý báu. Hầu hết từ lời ca cho đến tiếng hát trong chèo Chải Hê đều mang đậm yếu tố nhân văn, bao hàm ý nghĩa ngợi ca công cha, nghĩa mẹ và tấm lòng hiếu thảo của con cái.
Hiện nay, tồn tại rất nhiều những tên gọi khác nhau về loại hình nghệ thuật độc đáo này, như hát phường bội, quan họ hiếu; không gian văn hóa thường là ở sân đình, cửa chùa và trong các gia đình vào dịp giỗ chạp, đám tang, những dịp đốt vàng mã, rằm tháng 7 “xá tội vong nhân” theo tục lệ cổ truyền. Âm nhạc của chèo Chải Hê rất đơn giản, với 2 nhạc cụ đệm là trống cơm và mõ. Đạo cụ gồm 6 chiếc roi to bằng ngón tay cái, dài khoảng 1,2m, được sử dụng như mái chèo trong lúc múa.
Trong chèo Chải Hê, 12 người nam vừa hát vừa thể hiện vũ đạo, còn 12 người nữ chỉ đứng múa quạt phụ hoạ. Theo ông Địch, tính đến thời điểm hiện nay, những lớp người đã từng nghe, từng hát chèo Chải Hê thì chỉ còn duy nhất cụ Nguyễn Sách Lầu, nhưng năm nay cụ đã 89 tuổi, không thể hát hay nhớ chính xác về chèo Chải Hê nữa. Có cái khó là đa phần các thể thức cũng như tích trò trong chèo tương đối phức tạp, dài, đôi khi mỗi trò còn biểu hiện hẳn một câu chuyện riêng biệt về lòng thảo thơm của con cái đối với cha mẹ mình.
Nhận thấy nguy cơ thất truyền một môn nghệ thuật độc đáo, hiếm có của quê hương là rất lớn, ông Địch đã tìm mọi cách để mong giữ lại được ngày nào hay ngày đó. Nhưng rồi tất cả cứ im lìm, như người trồng cây không được hái quả...
“Lực bất tòng tâm”
Cách đây 10 năm, năm 2003, TS Lê Văn Toàn khi ấy là Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, trong một chuyến đi tìm hiểu về quan họ đã gặp ông Địch. Ông Địch chỉ ca vài câu chèo Chải Hê ngắn gọn: “Đi đâu từ tối đến giờ/Để cho tin đợi tin chờ tin mong”..., ông Toàn đã bất ngờ thốt lên: “Đây là núi Thái Sơn rồi, đúng là chèo Chải Hê rồi”. Thời gian sau, chèo Chải Hê được đưa vào chương trình cấp quốc gia về sưu tầm, bảo tồn văn hoá phi vật thể của dân tộc do Viện Âm nhạc thực hiện. Cũng từ đó, rất nhiều báo, đài về đưa tin và đề nghị ông Địch dựng lại phường chèo Chải Hê.
Nghệ nhân Nguyễn Năng Địch
Sau đó, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tĩnh - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hoá - Nghệ thuật Bắc Ninh- một người tâm huyết và yêu mến loại hình diễn xướng này cũng đã tiến hành phục dựng lại một số trích đoạn chèo Chải Hê mang tham dự Liên hoan Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc học sinh sinh viên các trường văn hoá nghệ thuật toàn quốc năm 2006.
Song từ đó đến nay, việc phục dựng và bảo tồn nghệ thuật chèo Chải Hê vẫn không tiến thêm được bước nào. Những học sinh hồi đó đã ra trường, muốn tập hợp và trình diễn lại rất khó. Hơn thế nữa, việc tập luyện và phục dựng lại hầu như chỉ phục vụ mục đích biểu diễn, băng hình ghi lại chưa phản ánh đầy đủ và nguyên gốc hình thức diễn xướng này. Do đó, việc sưu tầm và phục dựng chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian.
Nghệ nhân Nguyễn Năng Địch cho biết: “Muốn chèo Chải Hê sống được thì nó phải được những người dân ngay tại địa phương hiểu biết, thực hành và gìn giữ, thế nhưng hiện nay, ngay cả người dân của 2 làng Lũng Giang – Tam Sơn cũng chưa ai từng nghe nói và biết tới chèo Chải Hê. Thế hệ những người từng hát trước đây hầu như không còn ai cả, tôi là người duy nhất còn nhớ được, song “vốn liếng” cũng chưa thật đầy đủ”.
Ông khẩn khoản: “Xin nhờ nhà báo cứ viết thẳng giúp chúng tôi, rằng hiện nay chèo Chải Hê của hai quê hương Tam Giang và Lũng Giang đã mất, đã chết... không nghi ngờ gì nữa. Còn bây giờ, tôi còn sống được ngày nào sẽ cố gắng tìm mọi cách dàn dựng và ghi lại những hình ảnh về điệu múa, giọng hát để sau này khi khuất núi còn có một tài sản đáng giá được lưu giữ cho đời sau. Nhưng nếu không ai quan tâm đến, thì những tư liệu này cũng sẽ lại rơi vào im lặng mà thôi”.
Hồ Phương Phúc