Cần hướng dòng vốn cho sản xuất công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao. |
Tại hội thảo "Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Thực trạng và lựa chọn cho giai đoạn 2011- 2020" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 23-6 tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế phân tích: Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua bộc lộ rõ nhiều bất cập, thể hiện trong sự mất cân đối lớn giữa phát triển và bền vững, giữa thu chi ngân sách và nhập siêu, giữa phát triển và hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực, thể chế...
Theo nhiều đại biểu, mô hình tăng trưởng kinh tế của nước ta đang gặp phải những rào cản, mà chủ yếu là nhân tố bên trong như tư duy kinh tế, hệ thống thể chế, bất cập trong phân cấp quyết định đầu tư, phát triển tràn lan nhiều dự án lớn mà không tính đến thực trạng cũng như hiệu quả kinh tế - xã hội.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý T.Ư Nguyễn Đình Cung cho rằng Việt Nam có thể tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng cao trong vài năm tới nếu tránh được những thách thức đang nổi lên như mất cân bằng vĩ mô ngày càng tăng. Việt Nam có thể tiến sang bước phát triển mới nếu từ bây giờ có thể tạo ra những nền móng để vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình.
TS. Trần Du Lịch- Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nhận định, phải xác định rõ chức năng của nhà nước trong nền kinh tế thị trường:
"Nhà nước phải là người bổ khuyết và xử lý những thất bại của thị trường. Sự thất bại của thị trường sẽ mang đến những hệ quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế, tạo nên những cuộc khủng hoảng kinh tế.
Từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vừa diễn ra, xuất hiện sự tranh luận về vai trò của nhà nước với 2 loại quan điểm khác nhau là: Nhà nước nhỏ, thị trường lớn hoặc ngược lại.
Tuy nhiên, thực tế diễn ra cho thấy các cuộc khủng hoảng lớn nhỏ đều có nguyên nhân từ sự yếu kém trong vai trò điều tiết của nhà nước nhằm hạn chế những khuyết tật của thị trường".
TS. Tô Trung Thành (ĐH Kinh tế quốc dân) hiến kế: "Cần hướng những dòng vốn về sản xuất công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao và nên từ chối những dự án khai thác tài nguyên quá mức, ô nhiễm môi trường và sử dụng công nghệ lỗi thời. Chính sách nhập khẩu công nghệ cao cũng nên được cân nhắc".
Tuy nhiên, cũng theo ông Thành, muốn có được sức cạnh tranh bền vững trong dài hạn không thể chỉ dựa vào nguồn vốn FDI (vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài) hay nhập khẩu công nghệ mà phải có những nỗ lực xây dựng công nghệ nội địa, thông qua việc tạo ra động lực khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ.
Xuân Mai