Dân Việt

Tránh "vết xe" độc quyền!

28/06/2010 07:03 GMT+7
(NTNN) - Một trong những nội dung quan trọng của Đề án “Phân phối lương thực” mà Bộ NN&PTNT đang xây dựng là sẽ hình thành các Tập đoàn Lương thực.
 img
 TS.Lê Đăng Doanh

Xung quanh đề xuất này, NTNN đã có cuộc trao đổi với TS.Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cao cấp.

Tập đoàn chỉ được hình thành khi đủ năng lực

Thưa ông, việc kinh doanh, phân phối lương thực ở nước ta từ trước đến nay chủ yếu được thực hiện do các doanh nghiệp nhà nước. Vậy ông đánh giá gì về ý tưởng hình thành các tập đoàn lương thực?

- Tổ chức về phân phối lương thực của nước ta cho đến bây giờ vẫn đang trong quá trình thảo luận và tranh cãi. Hiện chúng ta chưa rõ lắm về vai trò của Hiệp hội (Hiệp hội Lương thực VN- VFA), cũng như vai trò của các Tổng công ty. Vừa qua, Quốc hội cũng có xem xét, đánh giá lại vai trò của VFA để thay đổi cho phù hợp hơn.

Cho đến nay, trong chuỗi sản xuất, kinh doanh lương thực, người nông dân vẫn là đối tượng chịu thiệt thòi, lợi nhuận chủ yếu nằm ở các doanh nghiệp là các công ty thực hiện việc thu gom, xuất khẩu, tức khâu phân phối lại được lợi nhuận cao hơn người sản xuất. Sau 21 năm xuất khẩu gạo, kết cấu hạ tầng cho sản xuất lúa gạo vẫn chưa được đầu tư đúng mức từ kho bãi, máy móc chế biến, xay xát. Bởi thế, cũng dễ hiểu trong bối cảnh ấy, đã xuất hiện ý tưởng hình thành tập đoàn lương thực để kết nối các Tổng công ty với nhau.

Bộ NN&PTNT đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ về việc cho sáp nhập 2 Tổng công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam (Vinafood 1 và Vinafood 2) song không được chấp thuận. Vậy một khi đã hình thành tập đoàn, các Tổng công ty này nên được tổ chức lại ra sao?

- Sản xuất lương thực để xuất khẩu hiện mới chỉ tập trung ở miền Nam, còn ở miền Bắc chỉ thu gom được ở một mức có giới hạn. Cho nên, việc kết hợp giữa một Tổng công ty có lương thực dư thừa để cho xuất khẩu (là Vinafood 2) với một Tổng công ty chỉ cân đối được nhu cầu, đảm bảo an ninh lương thực và có một chút cho xuất khẩu (Vinafood 1) về cơ bản có thể bổ sung cho nhau.

 img
Tập đoàn lương thực sẽ làm thay đổi diện mạo thị trường lúa gạo? Ảnh chụp: Gạo nhập kho tại Cái Răng (Cần Thơ).

Ý tưởng mới trong Đề án "Phân phối lương thực" là hình thành các tập đoàn lương thực, chứ không phải sáp nhập 2 Tổng công ty. Vậy bộ mặt mới của tập đoàn (nếu được hình thành), theo ông sẽ phải đáp ứng được những yêu cầu gì?

- Gần đây, ở nước ta đang rộ lên phong trào hình thành tập đoàn và “tự phong” thành tập đoàn. Trong cơ chế vận hành của kinh tế thị trường, tập đoàn là quá trình tích tụ tập trung với nhu cầu cần thiết từ nội tại đã được chín muồi để đầu tư vào các khâu từ sản xuất, cung ứng vật tư, đào tạo lao động, chuyển giao khoa học công nghệ đến phân phối, chế biến, xuất khẩu. Như vậy, trước khi thành lập tập đoàn, chúng ta phải xem các điều kiện đã hoàn thiện chưa.

Một khi đã gọi là tập đoàn lương thực thì đòi hỏi doanh nghiệp đó phải có đủ năng lực từ khâu đầu tư sản xuất (ứng vốn trước cho người nông dân), sau đó đảm bảo tiêu thụ hết sản phẩm mà người trồng lúa làm ra, đồng thời giúp cho người dân tiếp cận được khoa học- kỹ thuật trong sản xuất. Rồi chúng ta còn phải xem vai trò của tập đoàn với các tỉnh, các công ty lương thực cấp tỉnh sẽ kết hợp lại với nhau như thế nào.

Dễ dẫn đến độc quyền

Trước đây, khi thành lập 2 Công ty Lương thực T.Ư 1 và 2 (tiền thân của Vinafood 1 và Vinafood 2 hiện nay), nhà nước xác định vai trò của 2 công ty này là đảm bảo cung ứng lương thực nội địa là chính. Một khi đã hình thành tập đoàn, thì các doanh nghiệp này nên được xác định lại vai trò như thế nào, đặc biệt là trong xuất khẩu gạo?

-Nói về xuất khẩu gạo, hiện chúng ta mới chỉ xuất khẩu đơn thuần ở dạng thô. Khi đã hình thành tập đoàn, các doanh nghiệp phải thay đổi toàn diện, tức là không chỉ xuất thô, mà cần tập trung vào việc chế biến như cách làm của Thái Lan, họ đã làm được bỏng gạo rất ngon hay chế biến gạo thành các loại bột ngũ cốc để xuất khẩu, thậm chí bán rộng rãi cả nước, trong khi chúng ta có nguyên liệu thô là gạo thì lại không làm được.

img Theo tôi, đề án này trước khi được hoàn thiện phải đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các ngành, nhất là Hội Nông dân, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế. Cá nhân tôi cho rằng cũng không nên phản đối hoàn toàn việc hình thành tập đoàn lương thực, mà vấn đề là sau khi hình thành phải mang lại được sự thay đổi rõ rệt từ sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu, không rồi sẽ lại là các tập đoàn hành chính giả tạo. img

T.S Lê Đăng Doanh

Nếu đã hình thành tập đoàn, thì cần phải thay đổi cả trong chiến lược xuất khẩu, cũng như tăng cường các khâu sơ chế để làm gia tăng giá trị hạt gạo. Nếu không kết hợp được khâu sản xuất, chế biến với tiêu thụ xuất khẩu, thì cần phải đặt câu hỏi là nếu đã thành tập đoàn rồi thì có đáp ứng được tất cả các khâu đó không, rồi chức năng của tập đoàn sẽ như thế nào hay anh vẫn chỉ đơn thuần là đi thu mua, phân phối lương thực như nhiều năm qua? Tập đoàn ra đời phải kết hợp được với ngân hàng để tạo ra nguồn vốn cho người dân đầu tư sản xuất (kiểu như Tập đoàn Công nghiệp cao su đầu tư cho các hộ dân trồng cao su, rồi cung cấp lại mủ cho tập đoàn).

Một vấn đề băn khoăn được đặt ra hiện nay là, nếu đã hình thành tập đoàn thì vai trò, rồi tổ chức của VFA sẽ như thế nào?

- Chúng ta cần phải đặt vấn đề này ngay từ bây giờ, nếu không sẽ gây sự chồng chéo lớn giữa một bên là các tập đoàn có tiềm lực kinh tế lớn nhưng lại không có các quyền cơ bản về xuất khẩu, mà vẫn giao cho bên hiệp hội, thì vai trò của tập đoàn có thực sự cần thiết không? Và cuối cùng một điều cần hết sức tránh là hình thành tập đoàn sẽ dễ dẫn đến độc quyền hoặc không độc quyền thì cũng chiếm vị trí thống lĩnh thị trường đối với khu vực, vùng... Điều ấy sẽ không đem lại động lực để phát triển kinh tế tế theo cơ chế kinh tế thị trường và sẽ không tạo nên sự cạnh tranh để thúc đẩy phát triển, hoàn thiện cơ chế.

Một điểm cũng rất đáng quan tâm là thành lập tập đoàn mang tính chất hành chính hoá, gây ra tình trạng độc quyền địa phương, theo đó ở mỗi địa phương chỉ có một doanh nghiệp thực hiện việc thu mua mà đẩy các doanh nghiệp khác ra ngoài.

Xin cảm ơn ông!