Thông tin trên được TS Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết tại Hội nghị triển khai đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, diễn ra ngày 12.6.
Rác thải y tế bị đổ bừa bãi |
Theo ông Nguyễn Huy Nga, cả nước hiện có khoảng 13.511 cơ sở y tế, trong đó có hơn 1.360 cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện trở lên và hơn 11.100 trạm y tế xã. Nếu tính trung bình mỗi giường bệnh thải 0,25kg rác/ngày thì ước tính mỗi ngày hệ thống y tế cả nước thải 450 tấn rác, trong đó 47 tấn là chất thải rắn nguy hại và hơn 125.000m3 nước thải cần được xử lý đặc thù. Đó là chưa kể đến một lượng rác khổng lồ từ hơn 1.000 cơ sở y tế dự phòng, các cơ sở đào tạo y dược, sản xuất thuốc, y tế tư nhân… Đến năm 2015 lượng chất thải rắn là 590 tấn/ngày và năm 2020 là khoảng 800 tấn/ngày.
Tuy nhiên, hiện nay 563 bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải (chiếm 46% chủ yếu là tuyến tỉnh và huyện). Hơn 200 bệnh viện khác có hệ thống xử lý nước thải cũ nát cần nâng cấp. Về xử lý rác thải rắn hiện nay, 50% các phương tiện thu gom rác chưa đạt yêu cầu. Còn đến 31% bệnh viện xử lý bằng lò đốt 1 buồng, đốt thủ công hoặc tự chôn lấp trong khuôn viên bệnh viện. 100% trạm y tế xã chưa có hệ thống xử lý nước thải và rác thải rắn cũng mới chỉ chôn lấp hoặc đốt thủ công.
TS Nga cho biết, việc đốt thủ công hoặc trong các lò đốt 1 buồng lạc hậu sẽ có nguy cơ tạo ra nhiều hóa chất độc hại thải vào môi trường qua khói lò đốt như dioxin, thủy ngân… Còn nước thải từ các cơ sở y tế có thể chứa nhiều vi sinh vật, kim loại nặng, hóa chất độc, đồng vị phóng xạ… PGS-TS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, xử lý rác thải y tế cần nguồn kinh phí rất lớn, vì thế, nhiều BV không đủ tài chính để chi trả cho xử lý rác. Thậm chí lãnh đạo một số cơ sở y tế tâm sự “thật thà” là càng lò đốt hiện đại càng không dám vận hành vì nó cũng “đốt” tiền khủng khiếp.
Diệu Linh