Dân Việt

Tăng giá bán điện thêm 5%

22/12/2012 06:18 GMT+7
(Dân Việt) - Cục phó Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương cho biết, việc điều chỉnh giá điện lần này chỉ làm tăng chỉ số CPI lên 0,12%. Theo EVN, việc điều chỉnh này là để bù đắp chi phí tăng do tăng giá than, giá khí...

Các hộ sử dụng điện sinh hoạt bình thường 100 kWh/tháng tăng chỉ 6.600 đồng/tháng, 150 kWh/tháng tăng 11.000 đồng/tháng, sử dụng 200 kWh/tháng tăng 16.200 đồng/tháng, sử dụng 300 kWh/tháng tăng 27.000 đồng/tháng, sử dụng 400 kWh/tháng chỉ tăng 38.000 đồng/tháng.

EVN cho biết, mức giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0-50 kWh áp dụng cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp sẽ không điều chỉnh, giữ nguyên ở mức 993 đồng/kWh. Việc hỗ trợ 30.000 đồng/tháng tiền điện cho hộ nghèo cũng vẫn được thực hiện.

Ông Đinh Thế Phúc - Cục phó Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương cho biết, việc điều chỉnh giá điện lần này chỉ làm tăng chỉ số CPI lên 0,12%. 

img
Năm nay, EVN không có kế hoạch thưởng tết.

Ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc EVN cũng cho biết, việc điều chỉnh giá điện lần này là để bù đắp phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than, tăng giá khí, quyết toán sản lượng vượt bao tiêu khí và bù đắp một phần chênh lệch tỷ giá còn tồn của các năm trước chưa tính hết vào giá bán điện.

Năm 2012, EVN lãi 4.500 tỷ đồng nhưng năm 2010 và 2011 tập đoàn này lỗ 11.000 tỷ đồng. "Số lãi 4.500 tỷ đồng của năm nay, EVN sẽ dành để bù lỗ một phần của 2 năm trước đó, do vậy năm nay EVN cũng không có kế hoạch thưởng tết. Chúng tôi phấn đấu đến 2013 sẽ bù hết lỗ này"-ông Tri nói.

Ông Tri cũng cho biết, năm 2013, tổng sản lượng điện của các nhà máy thuộc EVN sẽ chỉ còn chiếm 20%, còn 80% là tập đoàn này phải mua theo hợp đồng. Vai trò của EVN những năm tới chỉ là mua bán điện, do vậy, với các lộ trình tăng giá than, khí thì EVN sẽ còn phải tăng giá điện trong năm tới.

Ông Tri cũng cho biết, với việc tăng thêm 68 đồng/kWh, EVN sẽ thu thêm được 7.000 tỷ đồng. Số tiền này sẽ bù chi phí do giá than tăng, thanh toán 3.800 tỷ đồng tiền khí vượt bao tiêu còn tồn đọng và bù 3.000 tỷ đồng lỗ do chênh lệch tỷ giá. Con số này còn rất khiêm tốn so với số lỗ 26.000 tỷ đồng của EVN công bố trước đó và được Chính phủ cho hoán bù dần đến hết năm 2015, ông Tri cho hay.

Theo ông Tri, giá điện của Việt Nam dù tăng, song hiện vẫn thấp (gần 7cent) so với các nước như Thái Lan (trên 9 cent), Singapore (20 cent), Philipines (27-28 cent) và việc so sánh như vậy là "hoàn toàn phù hợp" vì "giá điện là giá quốc tế (vốn vay nước ngoài, thiết bị công nghệ các nhà máy điện nhập nước ngoài, tiến tới nguyên liệu như than, khí cũng phải nhập ngoại...) do vậy, lộ trình từ 2013-2015, EVN đang trình để báo cáo Bộ Công Thương để cứ 3 tháng lại phải tính toán, điều chỉnh giá điện lại 1 lần" - ông Tri nói.