Nhà văn Mỹ Dana Sachs. |
Điều gì tạo cảm hứng cho chị viết cuốn sách “Cuộc sống được ban tặng” (The life were given)?
- Lần đầu tiên nghe nói đến chiến dịch Babylift mà Mỹ phát động để sơ tán hàng ngàn trẻ em VN sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam năm 1975, tôi thực sự xúc động.
Hầu hết những em bé này được miêu tả là “trẻ mồ côi do chiến tranh”, được đưa ra nước ngoài nuôi dưỡng bởi chúng không còn gia đình. Tuy nhiên, một sự thật đau lòng là có tới 20% trong số đó vẫn còn cha mẹ ở Việt Nam.
Do lo sợ các em có thể bị giết hại sau khi chiến tranh kết thúc nên họ đã để con mình đi sơ tán, với ý nghĩ cứu mạng sống của chúng. Tuy nhiên, khi con đã được đưa ra khỏi Việt Nam, họ không thể thay đổi quyết định được nữa và không thể đưa con mình trở lại.
Tôi đã tự hỏi, tại sao trẻ em lại bị đưa ra khỏi VN ngay trước khi chiến tranh kết thúc và đất nước sẽ trở lại hoà bình? Vì vậy, tôi đã quyết định đi tìm sự thật và viết nên cuốn “Cuộc sống được ban tặng”...
Đi tìm, và chị gặp những gì?
- Tôi đã tìm đến những gia đình lỡ để con mình ra đi chỉ vì những lời đồn không bao giờ có thật. Câu chuyện của họ là nỗi đau bất tận khi phải chia lìa giọt máu của mình. Đến nay, những em bé Babylift đã xấp xỉ tuổi 40. Ở những chân trời xa đất nước Việt Nam, họ vẫn chông chênh một câu hỏi “tôi là ai” và vẫn đau đáu tìm lại cha mẹ ruột của mình. Rồi tôi gặp những người mẹ đang sống ở Việt Nam, cũng dành hàng chục năm trời mang những bức ảnh cũ để hỏi về tung tích của con mình... Đã có những cuộc đoàn tụ trong nước mắt hạnh phúc, mở ra hi vọng cho rất nhiều em bé Babylift năm xưa đang khát khao trở về quê hương VN và tìm kiếm cha mẹ ruột của mình.
Là một nhà văn Mỹ nhưng chị có đến 20 năm viết về Việt Nam, vì sao vậy?
- Tôi bị Việt Nam cuốn hút ngay từ lần đầu đặt chân đến đây năm 1990. Vào thời điểm đó, tôi hầu như chưa biết gì về đất nước này, ngoài việc nước Mỹ của tôi đã từng phát động một cuộc chiến tồi tệ tại đây. Cái cảm giác chuộc lỗi cứ thôi thúc tôi. Khi đến Việt Nam, tôi nhanh chóng bị ấn tượng bởi nền văn hoá và lịch sử lâu đời của đất nước này. Tôi bắt đầu viết về điều đó.
Đối với nhiều người Mỹ, cái tên “Việt Nam” thường được ám chỉ về một cuộc chiến tranh, chứ không phải là một đất nước, vì vậy điều thôi thúc tôi trong từng trang viết là phải thay đổi cách nhìn này: Việt Nam là một vùng đất tuyệt vời nên đến trong đời người.
Sau 20 năm gắn bó, chị cảm nhận thế nào về Việt Nam hôm nay?
- Phải nói rằng, mỗi lần đến Việt Nam là một cảm xúc mới lạ. Đất nước các bạn thay đổi quá nhanh chóng. 20 năm “đi đi về về” giữa Mỹ và Việt Nam, tôi đã có cả một ký ức đầy ắp những kỷ niệm về đất nước này. Tôi cũng đã sống ở Hà Nội trong vài năm và có rất nhiều bạn bè thân quen là người Việt. Những năm đầu 1990, tôi sống ở Hà Nội với một gia đình người Việt. Đó là thời điểm tôi viết nên cuốn sách “Ngôi nhà ở phố Dreams: Ký ức của một phụ nữ Mỹ ở Việt Nam”...
Xin cảm ơn chị!
Đăng Thuý (thực hiện)