Được coi là một trong những báu vật vô giá nhất của đồng bào Khmer vùng An Giang, Kiên Giang nhưng thời gian qua, nhiều người lo ngại rằng Kinh lá sẽ thất truyền sau khi truyền nhân đời thứ 9, hòa thượng Chau Ty, trụ trì chùa Soài So thuộc xã Núi Tô, huyện Tri Tôn (An Giang) tâm sự là không tìm được truyền nhân xứng đáng để duy trì việc chép Kinh lá. Tuy nhiên, những ngày gần đây, trò chuyện với chúng tôi, hòa thượng Chau Ty lại vui mừng bảo, đã tìm được truyền nhân đời thứ 10 là một hòa thượng trẻ tên Chau Tho.
Kinh lá người Khmer.
Tâm sự với chúng tôi, hòa thượng Chau Ty cho biết, mặc dù chỉ chưa đầy 30 tuổi nhưng Chau Tho lại là một trong những môn sinh xuất sắc của ông. Vị hòa thượng trẻ này từ bé đã tỏ ra thông minh hơn người, có khả năng đọc và kiến thức sâu rộng về văn hóa dân tộc Khmer của mình. Khác với nhiều đệ tử khác, hòa thượng trẻ Chau Tho rất thích thú với Kinh lá và đã bỏ ra nhiều thời gian để nghiên cứu cách chép Kinh lá bởi đây là một việc vô cùng khó khăn.
Được biết, Kinh lá của người Khmer ra đời cách đây hàng trăm năm, đã từng rất thịnh vượng và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa của người Khmer, khi nó ghi lại những nét đẹp, những dấu mốc, phong tục quan trọng cũng như dạy các thế hệ sau người Khmer biết sống tốt hơn.
Việc chép Kinh lá rất khó khăn, phải là người tỉ mỉ, có bút lực, thần lực tinh thông mới có thể viết được, bởi chép Kinh lá là viết chữ trên lá buông gần như gỗ mỏng với một cây bút sắt có ngòi rất bén. Nên việc tìm được một người trẻ tuổi như hòa thượng Chau Tho để tiếp tục duy trì việc chép Kinh lá, thực sự là một tín hiệu vui trong cộng đồng người Khmer.