Tôi đã nhờ thằng bạn học cùng lớp trường làng xin phép hộ nghỉ một ngày vì có ông chú họ lên lão. “Sống lâu lên lão làng”, chẳng cần phải tranh giành hay mua danh, đó là đặc quyền có lẽ là duy nhất của người đàn ông Việt thời xưa.
Bọn trẻ con chúng tôi không theo lệnh ai, “đất lề quê thói” trong họ có ai có việc đều phải đến làm giúp. Đã làm giúp là phải được quyền ăn cỗ, tuy chỉ là loại mâm dưới, trên mâm người làm nhưng cũng là cỗ, có thứ nhờn môi, được gặm chân gà, húp nước xuýt xì xoạt.
Bâng khuâng nhớ làng và những lề thói đã phai nhạt.
Vì tôi là con cả của nhà bác nên được phân công đun nước để các cụ pha trà. Làng tôi không có củi, chỉ đun bằng rơm rạ, lá lẩu, thân cây ngô, cây sậy ở bãi sông Hồng, khói toét cả mắt. Đồ nghề của tôi không “sang trọng” như của đội dao thớt, chày cối giã giò. Chỉ có mỗi cái que cời bếp bằng khúc tre tươi không cháy được và chiếc siêu đồng bẹp vung.
Nhà chú tôi bắc rạp, mổ lợn, thịt gà. Vất vả nhất vẫn là các cô gánh nước. Giếng làng xa tận cửa đình, gánh nước nặng ba bốn chục cân cứ chạy băng băng, y như thơ Nguyễn Bính “Trong xóm dăm cô gái xứ quê/ Từng đàn vui vẻ rủ nhau về/ Trên vai nặng trĩu hai thùng nước/ Kĩu kịt đi vào lối cổng tre”…
Đội làm cỗ có vẻ bận rộn hơn nhưng được ngửi hơi rượu thịt cũng đỡ thèm. Cỗ quê bao giờ cũng 4 bát 8 đĩa. Đúng là nhà có đám, đến lũ cá mương ở chiếc ao sau nhà cũng xôn xao nhảy lên đớp váng mỡ.
Khoảng mặt trời lên tới ngọn tre là lễ tế sống cha bắt đầu. Chú tôi ngồi trên sập, áo lương, khăn xếp, quần lụa. Con, cháu, dâu, rể đứng hai bên phía ngoài. Một ông trong ban tư văn ê a đọc chúc văn. Lễ tế mừng thọ có ba tuần rượu, phường bát âm tấu nhạc vui vẻ, không bi ai như ở đám ma.
Đám người nhà phục dịch và bà con trong xóm, ngoài làng đến xem lễ cũng đông. Một ông anh họ tôi có chân tuần đinh (dân phòng làng) tay lăm lăm chiếc roi song đi tuần bên ngoài, chủ yếu để đuổi lũ chó mèo rình ăn vụng cỗ và mấy thằng quỷ sứ trong xóm có tính táy máy.
Lễ xong đến phần “khao lão”, tức ăn cỗ. Các cụ trong nhà, đàn bà ngoài sân, trẻ con dưới bếp, rào rào như tằm ăn rỗi. Tôi cũng tranh thủ “đánh nhanh thắng nhanh” để còn đun nước cho các cụ dùng trà.
Nhà chú tôi hoàn toàn không giàu, chỉ là trung nông với mấy sào ruộng trong đê và gần mẫu đất bãi ngoài đê trồng ngô khoai. Lo được cái lên lão coi như năm ấy mất mùa. Nhưng tục lệ nó vậy, ai cũng phải theo. Nghe nói lên lão bắt nguồn từ “Đạo hiếu” bên Tàu.
Ngày xưa nước ta nghìn năm Bắc thuộc, người Việt còn giữ được nói tiếng Việt và để răng đen, búi tóc là kiên cường lắm rồi. Bấy giờ lại thuộc Pháp, đã có chữ quốc ngữ, trẻ con không phải học thầy đồ, nhưng hoành phi, câu đối, thiếp mừng thọ vẫn dùng chữ nho. Mấy người bà con làm việc với tây trên tỉnh về, com lê cà vạt, mũ phớt, phì phèo điếu thuốc, nổi bật trong đám dân quê nâu sồng, nhìn cũng quen. “80 năm nô lệ giặc tây” rồi còn gì.
Thời gian, thời đại đã như cái tẩy học trò xoá dần quá khứ, kể cả những người cao tuổi như chúng tôi cũng sắp sửa thành “những người muôn năm cũ”…
|
Năm ấy chú tôi mới tròn 50 tuổi, tức 49 tuổi tây, ông vẫn là bác thợ cày chắc nịch. Thế mà từ ngày lên lão ra đường đã được chào bằng cụ. Bác thợ cày vẫn đi cày, vẫn làm lụng để 10 năm một lần lại “khao lão”, cả họ, cả làng lại được ăn “yến lão”. Nhưng chẳng mấy người thọ được đến tám, chín mươi như bây giờ.
Đời người dân quê thì ngắn, mà khổ đau vất vả thì nhiều. Ấy thế mà 60 năm đã đi qua từ lễ lên lão năm ấy, tôi đã tròn 70, có người gợi ý nên làm lễ mừng thọ. Lại bâng khuâng nhớ về làng, về nơi đất lề quê thói, nhưng nhiều lề thói cũng đã phai nhạt dần, thậm chí có nơi chẳng còn lại gì. Định làm bữa cơm vui vẻ với gia đình con cháu để vãn hồi hồn quê, lại thôi!
Vài mươi năm nữa chắc chắn lớp trẻ lớn lên sẽ chẳng hiểu thế nào là việc làng. Làng đã là nông thôn mới, có còn đường nét xưa, lề thói cũ đâu mà nhớ. Cũng không còn cảnh cũ “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Bây giờ tấc đất tấc vàng, trừ các dự án treo, làng nào cũng xây nhà gạch hai ba tầng kín mít cả, có khao lão hay gì đó họ nháy cho nhà hàng, một đội xào nấu, bày cỗ đến ngay. Con cháu không phải làm giúp, mất vui. Đi ăn cỗ như đi giả nợ miệng, nộp cái phong bì…